Dân Việt

Đề nghị giữ nguyên tổ chức pháp y công an

30/05/2012 06:33 GMT+7
(Dân Việt) - Sáng 29.5, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật Giám định tư pháp. Đa số các ý kiến đều tập trung vào vấn đề giữ hay không giữ tổ chức giám định pháp y công an (CA) cấp tỉnh như hiện nay.

Đại biểu (ĐB) Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) đề nghị giữ nguyên tổ chức giám định pháp y CA cấp tỉnh như hiện nay và kiện toàn theo hướng hiện đại hơn do tính chất quan trọng của đoàn giám định pháp y, đặc biệt là pháp y tử thi đối với các công tác điều tra xử lý vụ án hình sự.

“Hiện đã có 49 UBND cấp tỉnh đề nghị giữ nguyên tổ chức giám định pháp y CA cấp tỉnh như hiện nay để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm” - ĐB này dẫn chứng.

Còn ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cũng đồng tình vì cho rằng đấu tranh phòng, chống tội phạm là một nhiệm vụ chính của ngành CA, nếu bỏ giám định pháp y trong CA cấp tỉnh để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động này thì Dự thảo luật vẫn đang quy định sự tồn tại của pháp y Bộ Quốc phòng, Viện Khoa học hình sự Bộ CA, phòng kỹ thuật hình sự CA cấp tỉnh.

“Tôi đề nghị ngành y tế cứ tập trung vào việc khám, chữa bệnh tốt, đem lại sức khỏe cho nhân dân, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ pháp y tốt” - ĐB Quyết nói.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ĐB không đồng tình. ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) băn khoăn: Giám định viên pháp y CA tỉnh chưa đủ năng lực thực hiện việc giám định gen, giám định tuổi mà mới chỉ dừng lại ở mức thu mẫu giao lại cơ quan trưng cầu giám định để cơ quan này gửi đến cơ quan giám định ở T.Ư thực hiện giám định, sau khi có kết quả giám định viên mới đưa ra kết luận...

ĐB Thu Anh cho rằng: “Giám định pháp y là hoạt động độc lập trong quá trình tố tụng, trong khi đó hoạt động điều tra do ngành CA đảm nhiệm và giám định pháp y cũng do ngành này thực hiện nên dư luận lo lắng về sự khách quan, đặc biệt đối với những trường hợp đối tượng giám định là bị can đang tạm giam, tạm giữ bị chết” - ĐB Anh phân tích.

ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nêu yêu cầu, đã đến lúc phải đặt pháp y đúng vị trí và sự quản lý sao cho phù hợp, thống nhất thành một hệ thống từ T.Ư đến địa phương: “Hầu hết các nước trên thế giới có pháp y đều do bộ y tế hoặc bộ tư pháp quản lý hoặc nằm trong các trường ĐH, không có pháp y trong lực lượng CA. Nước ta đã là thành viên của khối ASEAN và hội nhập sâu rộng với thế giới thì cũng nên theo thông lệ này”.