Công văn số 1207/UBND-NC “Về việc không liên hệ công việc bằng tin nhắn qua điện thoại” ngày 27.4 còn yêu cầu các lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh.
Văn bản của UBND tỉnh Gia Lai - Ảnh: Trung Tân |
Chưa có tiền lệ
Một chuyên viên văn phòng cho biết trong quy chế làm việc của UBND tỉnh Gia Lai cũng không công nhận hình thức trao đổi công việc, chỉ đạo điều hành, báo cáo... bằng tin nhắn điện thoại. Tất cả chỉ đạo điều hành đều phải làm công văn và có dấu đỏ.
Một số trường hợp cấp bách, cần thiết phải trao đổi nhanh có thể gọi điện thoại, tuy nhiên việc ban hành văn bản là cần thiết. Chỉ đạo bằng văn bản giúp việc xử lý công việc đảm bảo chặt chẽ, trách nhiệm sẽ rõ ràng..., phòng ngừa được việc giả danh cấp trên nhắn tin chỉ đạo cấp dưới.
Một lãnh đạo Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Gia Lai khẳng định hiện đã có phần mềm giả số điện thoại. Chỉ cần cài đặt thì có thể giả danh số điện thoại của bất kỳ ai để nhắn tin đến số của một người khác.
Tuy nhiên, một chuyên viên khác chia sẻ trong nhiều trường hợp biết lãnh đạo đang họp không gọi điện thoại được, nên nhắn tin báo cáo một việc gì đó để làm gấp. Một lãnh đạo thuộc một sở khác lại cho rằng khi đã triển khai một công việc rồi nhưng cần nhắn tin nhắc nhở, trao đổi, hỏi thêm diễn biến tình hình sẽ tiện hơn là gọi điện thoại.
“Chỉ là cảnh báo!”
Để làm rõ hơn chủ trương này của UBND tỉnh Gia Lai, chúng tôi đã trao đổi với ông Ngô Ngọc Sinh, chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai. Ông Sinh cho biết: theo báo cáo của lực lượng chức năng, thời gian gần đây lợi dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin, một số đối tượng đã sử dụng phần mềm để dùng số điện thoại di động của người này gửi các tin nhắn giả mạo vào số máy di động của người khác, dẫn đến tình trạng bất ổn về an ninh thông tin, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội. Chính vì vậy UBND tỉnh mới ban hành văn bản nói trên.
UBND tỉnh Gia Lai có khảo sát về việc các lãnh đạo, cán bộ dùng tin nhắn điện thoại để trao đổi, chỉ đạo công việc không, thưa ông? Bản thân ông đã bao giờ được cấp trên chỉ đạo công việc bằng tin nhắn hay dùng tin nhắn để trao đổi, chỉ đạo công việc cho cấp dưới?
- Cần nói thêm việc ra văn bản này mang tính phòng ngừa những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra, chứ thực tế từ trước đến giờ UBND tỉnh không công nhận việc dùng tin nhắn điện thoại để chỉ đạo, điều hành hay trao đổi công việc. Những việc cần kíp cũng phải gọi điện thoại để người nghe có thể nhận ra giọng nói...
Mới đây, chúng tôi nhận được điện thoại từ trung ương yêu cầu cung cấp tài liệu gấp để làm việc, tuy nhiên tôi đã trả lời tôi không thể kiểm chứng được người gọi có thuộc đơn vị đó không nên không thể thực hiện được.
Sau đó có một người tôi biết ở vụ này gọi vào thì chúng tôi mới gửi tài liệu ra vì tôi nhận ra giọng nói. Tuy nhiên, phương tiện để trao đổi, chỉ đạo chính thức vẫn phải là văn bản có con dấu. Riêng tôi sẽ không sử dụng tin nhắn trao đổi hay chỉ đạo cấp dưới nữa. Còn những việc trước khi ra công văn thì không cần nhắc đến nữa...
UBND tỉnh Gia Lai đã phát hiện trường hợp nào lãnh đạo bị giả mạo tin nhắn để chỉ đạo công việc chưa, thưa ông?
- Đến nay thì chưa có trường hợp nào. Còn từ nay tất cả lãnh đạo, cán bộ không sử dụng tin nhắn điện thoại để trao đổi công việc, chỉ đạo cấp dưới nữa. Mọi tin nhắn chỉ đạo, trao đổi công việc đều không có giá trị, người nhận tin nhắn cũng không cần phải tra cứu lại vì tin nhắn đó chắc chắn là tin nhắn giả mạo!
UBND tỉnh đánh giá như thế nào về tính pháp lý của công văn này, thưa ông?
- Đây là một văn bản mang tính nội bộ nhằm nhắc nhở, cảnh báo trường hợp xấu nhất có thể xảy ra đối với các lãnh đạo, cán bộ, công chức. Tôi lấy ví dụ, ai đó lấy số điện thoại của tôi nhắn tin cho cấp dưới “tôi đồng ý chủ trương làm việc A, việc B...”, chỉ cần thiếu thận trọng, cấp dưới có thể triển khai làm dồn dập, trong khi thật ra tôi, UBND tỉnh không đồng ý, thì việc khắc phục hậu quả sẽ rất vất vả. Vì vậy việc UBND tỉnh ra văn bản 1207 là cần thiết.
Điều 123, 124 Hiến pháp năm 1992 quy định: “UBND do HĐND bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND”, “UBND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó”.
Theo đó, phải nói ngay rằng pháp luật không có quy định nào cho phép thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, xử lý công việc bằng tin nhắn qua điện thoại. Khi cần đưa ra các quy tắc xử sự chung nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Luật còn quy định rằng văn bản phải được gửi kịp thời đến cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp và đến các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan. Đồng thời, bản gốc của văn bản phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Riêng đối với những việc cụ thể, việc chỉ đạo có thể bằng quyết định, chỉ thị, công văn. Chỉ có cách này, cán bộ lãnh đạo mới có thể công khai đầy đủ lý do, mục đích, yêu cầu... và quan trọng là các mệnh lệnh liên quan đến được đúng địa chỉ để cấp dưới có cơ sở thực hiện.
Cũng theo luật trên thì văn bản phải quy định hiệu lực về thời gian, không gian, đối tượng áp dụng và phải có tính hợp pháp, thống nhất. Nếu có dấu hiệu sai trái, chúng có thể bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành. Người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.
Như vậy, nếu công việc được xử lý thông qua các tin nhắn, cấp có thẩm quyền biết dựa vào đâu để kiểm tra, xử lý cách triển khai, điều hành công việc của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo các yêu cầu luật định nêu trên? Chưa kể nếu việc thực hiện công việc theo nội dung tin nhắn có gây ra hậu quả, việc truy cứu trách nhiệm của người chấp hành, người chỉ đạo sẽ được tiến hành như thế nào?
Về nguyên tắc, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định. Với văn bản số 1207 của UBND tỉnh Gia Lai, đã đành là cán bộ, công chức tỉnh này phải có nghĩa vụ thực hiện. Thế nhưng ở những địa phương khác, ngay cả khi không có văn bản chỉ đạo riêng thì cán bộ, công chức cũng không được nhắn tin để xử lý công việc vì các nội dung tin nhắn này hoàn toàn không có giá trị pháp lý.