Phối cảnh khu lưu giữ 1.000 hiện vật “Gửi tới mai sau”. |
Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Sở VH-TT&DL Hà Nội công bố ý tưởng lựa chọn 1.000 vật phẩm chôn vào lòng đất để gửi cho các thế hệ mai sau. Vấn đề đặt ra là sẽ lựa chọn những gì để “gửi lại”, và liệu những vật phẩm ấy có xứng đáng để đem lưu giữ hay không?
Cổ kim lẫn lộn
Sở VH-TT&DL Hà Nội vừa tổ chức họp báo giới thiệu khu lưu giữ và thiết bị lưu giữ vật phẩm "Gửi tới mai sau" với mong muốn để lại dấu ấn lâu dài cho thế hệ mai sau. Công trình này được thực hiện nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo dự án thì Hà Nội cùng phối hợp với 62 tỉnh, thành để chọn ra 63 vật phẩm có giá trị đặc trưng cho mỗi địa phương mình để đặt vào thiết bị lưu giữ. Sau khi thu thập các ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân về hiện vật để lưu giữ, một hội đồng tuyển chọn các hiện vật được thành lập, nghiên cứu tất cả các ý kiến đề xuất để chọn ra 937 vật phẩm còn lại.
Theo Ban tổ chức, các vật phẩm được lựa chọn phải thể hiện được tinh thần của cuộc sống, con người, phản ánh được sự phát triển của xã hội đương đại.
Đó có thể là những... nhãn mác của các mặt hàng nổi tiếng, hay tờ báo viết về những sự kiện nóng hổi của đời sống, đồng tiền xu, ảnh kỷ niệm hay những vật phẩm thể hiện sự phát triển của khoa học, công nghệ ngày nay như đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động...
Bên cạnh đó, vật phẩm lưu giữ có thể là các loại ấn, triện được sử dụng trong thời phong kiến. Như vật với tiêu chí khá rộng rãi và mơ hồ của Ban tổ chức, có thể hình dung ra khu lưu giữ vật phẩm này sẽ hỗn tạp cả đồ cổ lẫn kim và không khác gì một nhà kho khổng lồ.
Có đáng để lưu giữ?
Kế hoạch xây dựng khu lưu giữ vật phẩm có diện tích lên tới 1.000m²2 đã được đưa ra. Khu lưu giữ vật phẩm "Gửi tới mai sau" sẽ được xây dựng trong khuôn viên khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội và có hình dáng tựa bông sen. Toàn bộ chất liệu xây dựng phần nổi là đá tự nhiên.
Ông Vũ Phương- Phó Chủ tịch Quỹ văn hoá Hà Nội cho biết, ý tưởng xây dựng khu lưu niệm này xuất phát khi ông đến Hàn Quốc và thăm quan khu lưu giữ hiện vật của thủ đô Seoul. 1.000 hiện vật này sẽ được lưu giữ trong một dụng cụ bằng thép có thể tích 1.000 lít (do Hàn Quốc tặng), nên mỗi vật phẩm lưu giữ phải có kích thước nhỏ gọn, không quá 100cm3.
Rất nhiều câu hỏi đặt ra là có nên làm một công trình tốn kém và có diện tích to lớn như vậy để lưu giữ những vật phẩm - mà thông qua tiêu chí lựa chọn của Ban tổ chức đã có thể sơ bộ đánh giá là không mấy quý hiếm?
Con số 1.000 vật phẩm lưu giữ cũng quá khiên cưỡng, có cần phải nhiều đến thế hay không khi mà ông bà ta có câu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”? Thử tưởng tượng khi con cháu nước Việt 1.000 năm sau nữa đào những vật phẩm này lên, chắc hẳn họ cũng khó mà hiểu được “thông điệp” của cha ông mình thông qua mớ đồ hỗn tạp được “gửi lại”.
Theo đúng kế hoạch thì ngày 9-10-2010, thiết bị lưu giữ vật phẩm gửi tới tương lai sẽ được hạ thổ. Trong vòng 200 ngày nữa, một công viên lưu giữ vật phẩm sẽ hoàn thành theo sự quả quyết của Ban tổ chức, nhưng từng đó thời gian có đủ để cho cho một cuộc chọn lựa 1.000 vật phẩm xứng đáng để đem chôn xuống hay không? Hay vì trước áp lực của thời gian, sẽ có nhiều thứ được đem đi “gửi lại” một cách vội vàng, rồi đến lúc có “điều ra tiếng vào”, muốn đào lên cũng không thể được...
Nhà sử học Lê Văn Lan: Cách đây mấy năm, khi được biết có ý tưởng này, tôi đã rất phản bác và thậm chí còn chế giễu: “Làm thế có khác gì “hạ thổ” rượu cho bà đẻ uống”. Nhưng rượu cho bà đẻ thì còn có tác dụng, chứ hậu thế 1000 năm nữa thì người ta cần gì đến những thứ này. Tôi có thể nói gọn lại đây là công trình “tam vô”, tức là vô nghĩa, vô lý, vô bổ.