Tiêu huỷ diện tích lúa bị rầy nâu. |
Đến xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R'Lấp, nơi bị rầy nâu xâm hại nặng nề nhất, ông Điểu Đi - Trưởng bon Bu Ja Rah cho biết: "Coi như hết rồi, cả bon có 20ha lúa nước chỉ làm được một vụ đông xuân, nay bị rầy nâu phá sạch.
Mặc dù dịch được phát hiện trong Tết Nguyên đán và được Chi cục BVTV tỉnh cấp 3 đợt thuốc, hướng dẫn cách phun xịt, nhưng không hiểu sao rầy không chết. Cũng vì xót lúa, nên nhiều hộ trong bon đã phải vay mượn bên ngoài để mua thuốc phun thêm, nhưng giờ rầy nâu… vẫn còn".
Toàn bộ 98ha lúa nước của xã Nghĩa Thắng đã bị nhiễm rầy nâu. 46ha bị rầy nâu phá cháy trắng, phải tổ chức tiêu hủy. Lãnh đạo huyện Đăk R'lấp cho biết cả tháng nay từ huyện đến xã đều phải bám ruộng đồng.
Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay, toàn tỉnh Đăk Nông còn 648ha lúa vụ đông xuân 2009-2010 bị nhiễm dịch rầy nâu (cao điểm hơn 1.200ha). Tại 2 huyện Tuy Đức và Đăk R'lấp, hầu như toàn bộ diện tích lúa đã bị rầy nâu phá hoại hoàn toàn. Các huyện Krông Nô, Đăk Glong và thị xã Gia Nghĩa cũng xuất hiện rầy gây hại...
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Ngoài việc tăng cường toàn bộ cán bộ, kỹ sư, đến nay Chi cục đã tạm ứng mua thuốc, vật tư hỗ trợ các địa phương dập với tổng số tiền 480 triệu đồng, đồng thời đã cấp thuốc phun cho 1.071ha lúa bị nhiễm rầy nâu, tập trung ở các huyện Tuy Đức, Đăk R'lấp, thị xã Gia Nghĩa, Krông Nô...
Không chỉ riêng nguồn thuốc cấp phát, người dân còn tự mua thêm thuốc để phun nhưng gần như vô vọng.
Sau khi đã bỏ hàng trăm triệu đồng để chống rầy, ngành nông nghiệp Đăk Nông dự kiến sẽ phải chuẩn bị phải bỏ thêm vài trăm triệu nữa để “tiêu huỷ” lúa nhiễm rầy.