Dân Việt

Không hợp lý, thiếu công bằng

30/03/2010 08:33 GMT+7
NTNN - “Hoạt động báo chí mang tính đặc thù, nên dứt khoát không thể đánh thuế thu nhập doanh nghiệp cơ quan báo chí như với các doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần...”
img
Không thể so sánh cơ quan báo chí như các DN khác.

Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam  Nguyễn Quốc Trung khi trao đổi với NTNN.

Làm báo không phải đi buôn

Từ 1-1-2009, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo chí bắt đầu có hiệu lực. Cơ quan báo chí không thuộc các nhóm ưu đãi nên phải chịu mức thuế suất 25% như các doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần. Sự “áp đặt” này đã không nhận được sự đồng thuận của những người làm báo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập báo Kinh tế Nông thôn cho rằng: Các doanh nghiệp có lãi thì tăng cường sản xuất kinh doanh nhưng khi rơi vào thua lỗ, họ có thể tạm dừng, thậm chí đóng cửa doanh nghiệp. Nhưng các cơ quan báo chí không thể làm thế được. Dù không có lãi, thậm chí lỗ, chúng tôi vẫn phải hoạt động.

Ông Vũ Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ: Thực tế, nguồn thu của báo Tuổi trẻ hiện chủ yếu là từ quảng cáo và phát hành. Thế nhưng, phát hành đang lỗ, phải lấy quảng cáo để bù đắp. Báo Tuổi trẻ tuy  có lượng quảng cáo cao hơn một số các cơ quan báo chí khác nhưng khoản thu này có ổn định hay không thì chúng tôi vẫn không chắc chắn được. Đó còn chưa tính đến các rủi ro có thể xảy ra. Do vậy, quan điểm của Tuổi trẻ là cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí, nếu có đánh thuế thì cao nhất chỉ ở mức 10%.

Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Sản phẩm của báo chí không phải là giá trị tính bằng tiền mà là tạo sự đồng thuận trong cộng đồng xã hội. Bởi vậy, việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là không hợp lý.

Vẫn theo ông Tuấn, hiện nay, chỉ một số ít các tờ báo có doanh thu lớn từ các hoạt động quảng cáo, phát hành, còn lại, đại bộ phận năng lực tài chính của cơ quan báo chí rất khó khăn. “Đáng lẽ Bộ Tài chính phải ủng hộ, có chính sách ưu đãi thuế  cho các cơ quan báo chí giúp họ có tích luỹ, có nguồn để phát triển chứ không thể áp mức thuế quá cao”.

Chung quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Niên- Phó Tổng Biên tập tuần báo Nhà báo và Công luận -  bức xúc: “Việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp với báo chí là không công bằng.  Làm báo không phải đi buôn nên không thể áp thuế của đơn vị kinh doanh buộc cơ quan báo chí phải chấp hành. Ngược lại, ngành thuế phải có một cơ chế,  chính sách đặc biệt đối với cơ quan báo chí”.

Trả lời phóng viên về việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp với báo chí, trước đó, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với chức năng và nhiệm vụ của báo chí hiện nay thì việc tự trang trải kinh phí không phải là việc dễ dàng.

Phải khẳng định về nguyên tắc, mục đích hoạt động báo chí không phải là hoạt động kinh doanh, mục tiêu của báo chí không phải vì lợi nhuận. Nếu cào bằng cơ quan báo chí với doanh nghiệp là không hợp lý.

Báo chí không trốn tránh trách nhiệm

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ông Trung cho biết: Áp thuế thu nhập doanh nghiệp 25% với cơ quan báo chí là không hợp lý. Điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan báo chí, trong khi các cơ quan này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, ngày 31-3 tới, Hội Nhà báo sẽ có buổi làm việc với Bộ Tài chính để góp ý việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí. Quan điểm của Hội là phải có cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí, với mức cao nhất là 10%...

Đối với hoạt động báo chí, phải nhìn thấy lợi ích lâu dài đó là tác động về kinh tế, xã hội đối với đời sống tinh thần của người dân. Báo chí không trốn tránh trách nhiệm xã hội, nhưng với đặc thù nghề nghiệp, cần mức thuế ưu đãi để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Vẫn theo ông Trung, Hội Nhà báo trước đó đã công văn đề nghị Bộ Tài chính khi xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện, đưa báo chí cùng khung mức thuế với các doanh nghiệp văn hoá. Mức thuế hợp lý là 10%.

Ông Trung cũng cho rằng trong trường hợp cần thiết phải đánh thuế nên phân loại cơ quan báo chí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Hầu hết các báo chính trị - xã hội hiện nay là lỗ, trong khi chỉ các báo đơn thuần giải trí, kinh doanh là có lãi. Do vậy, các đối tượng khác nhau phải áp dụng mức thuế suất khác nhau.