Người dân thôn Tân Phương Lang không thể ổn định làm ăn khi thôn mình còn bị hai tỉnh tranh chấp. |
Bế tắc
Ông Hoàng Văn Khóa - Trưởng thôn Phú Xuân B, xã Hải Xuân (Hải Lăng, Quảng Trị) tâm sự: Sự tranh chấp kéo dài giữa người dân thôn Phú Xuân B với người dân và chính quyền xã Phong Thu (Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) khiến bà con trong thôn hết sức mệt mỏi.
"Là dân tỉnh mô cũng được, miễn là được yên ổn để mà làm ăn, chứ bất ổn vì tranh chấp liên miên thế này thì dân chúng tôi còn nghèo đói nữa"- ông Khóa nói.
Theo người dân thôn Phú Xuân B, thôn này nằm trên địa phận xã Phong Thu, lại cách xã quản lý họ đến 35km, nên việc nhập hộ khẩu vào xã Phong Thu cũng là chuyện hợp lý. Nhưng ngặt nỗi, các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Trị kiên quyết không chịu nhường thôn cho Thừa Thiên- Huế.
Tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết người dân thôn Phú Xuân B đều bảo rằng, cả thôn sẵn sàng nhập hộ khẩu vào Thừa Thiên- Huế nếu chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Trị đồng ý và tạo điều kiện.
Ông Mai Hòe - Trưởng thôn Tân Phương Lang cũng cho biết sự bức xúc của người dân thôn mình trước sự “giành giật” thôn từ chính quyền các cấp hai tỉnh.
"Thôn chúng tôi muốn được nhập vào xã Phong Thu để tiện đường phát triển, miễn là tên của thôn được giữ lại. Các "ông" ở trên chỉ nghĩ đến quyền lợi của chính quyền mà bỏ quên quyền lợi của dân, nên hậu quả là trăm thứ khổ đổ trên đầu người dân chúng tôi chứ không phải chính quyền"- ông Hòe nói.
Theo người dân thôn Tân Phương Lang, trong trường hợp nếu không bàn giao thôn mình cho chính quyền xã Phong Thu thì chính quyền các cấp của huyện Hải Lăng cần phải có biện pháp để có được quyền quản lý đối với đất đai trong thôn. Có như thế thì người dân mới được cấp sổ đỏ, mới thoát khỏi cảnh một thôn có hai chính quyền của hai tỉnh quản lý.
Tương tự, người dân các thôn Phú Kinh Phường của xã Hải Hòa, Bến Trải của xã Hải Chánh (Hải Lăng) đều ngày đêm mong mỏi được sự quản lý thống nhất của một chính quyền để có điều kiện an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, đến nay ước muốn được ổn định hàng chục năm trời của họ vẫn chỉ là ước muốn.
Chưa ngã ngũ
Sự tranh chấp giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế đối với các thôn Phú Xuân B, Tân Phương Lang, Phú Kinh Phường và Bến Trải xảy ra từ khi Chính phủ chủ trương chia tách tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế.
Theo các tài liệu liên quan đến vụ tranh chấp dai dẳng này, tháng 9-1993, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế đã tổ chức hội nghị hiệp thương tại Đông Hà (Quảng Trị) để tìm ra giải pháp giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, hội nghị này đã thất bại vì lãnh đạo hai tỉnh không bên nào chịu nhường bên nào.
Nhằm giải quyết bế tắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế lúc đó là ông Phạm Bá Diễn đã làm công văn xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Ngày 22-11-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có Quyết định số 762/TTg phân định địa giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế, chuyển 4 thôn nói trên về huyện Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Tuy nhiên, dù quyết định của Thủ tướng đã được ban hành nhưng việc tranh chấp các thôn này giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế vẫn không được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân là trong khi phía Thừa Thiên- Huế yêu cầu làm theo quyết định của Thủ tướng thì phía Quảng Trị lại yêu cầu phải thực hiện giải quyết tranh chấp theo nguyện vọng của người dân, tức là dân muốn theo tỉnh nào thì theo.
Sự tranh chấp các thôn này giữa hai tỉnh tiếp tục gay gắt từ năm 2006 trở lại đây vì các vấn đề liên quan đến đất đai. Thương lượng cấp tỉnh không thành, hai bên chuyển sang thương lượng giữa hai huyện Hải Lăng và Phong Điền. Sau rất nhiều cuộc họp, huyện Hải Lăng thống nhất bàn giao 4 thôn trên cho huyện Phong Điền với điều kiện giữ nguyên tên thôn sau khi các thôn này nhập vào Thừa Thiên- Huế.
Hy vọng giải quyết tranh chấp dai dẳng bắt đầu le lói thì lại bị dập tắt khi tờ trình của UBND huyện Hải Lăng bị bác với lý do "Chờ Chính phủ giải quyết".
Cụ thể, văn bản trả lời của UBND tỉnh Quảng Trị do ông Lê Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký nêu: UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hải Lăng và các xã Hải Xuân, Hải Ba, Hải Hòa và Hải Chánh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, giữ nguyên hiện trạng sản xuất đối với các thôn trên chứ không được bàn giao cho phía Thừa Thiên- Huế.
Việc UBND tỉnh Quảng Trị không đồng ý bàn giao 4 thôn trong diện tranh chấp cho phía Thừa Thiên- Huế theo như đề xuất của UBND huyện Hải Lăng tiếp tục đẩy người dân các thôn này vào cảnh một thôn hai chính quyền. Từ đó đến nay việc giải quyết tranh chấp hầu như không có động tĩnh gì, người dân các thôn trên tiếp tục trượt dài trong nghèo đói.