Dân Việt

Hội chứng ăn theo... 1.000 năm

31/03/2010 09:13 GMT+7
NTNN - Hàng loạt công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang “trăm hoa đua nở”. Có dự án tốt, nhưng cũng có những dự án khiến nhiều người phải giật mình vì sự lãng phí, vô bổ...

img
Bảo tàng Hà Nội - một công trình đang gấp rút thi công để kịp chào mừng Đại lễ.

Lỗi hẹn tập thể

Cuối năm 2008, UBND TP. Hà Nội công bố có 7 công trình buộc phải lỗi hẹn với lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long. Tháng 12-2009, trong báo cáo "Kết quả thực hiện các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" thống kê: Trong 34 công trình phải hoàn thành vào 2010, mới có 6 công trình về đích.

Một số công trình tiêu biểu đón chào Đại lễ như Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình, Con đường gốm sứ, Khu di tích Cổ Loa và Thành cổ v.v... cũng bị chậm tiến độ. Ấy là chưa kể hàng loạt những dự án lớn như bộ phim nhựa về Thái tổ Lý Công Uẩn cũng bị đình lại sau khi làm tốn giấy mực của báo chí suốt 5 năm ròng.

Hai công trình do Sở VH-TT&DL trực tiếp khởi xướng và chủ trì là xây đền thờ Vua Lý Công Uẩn tại vườn hoa Lý Công Uẩn, xây dựng khu lưu giữ 1.000 hiện vật “Gửi tới mai sau” cũng phải xem xét lại sau khi nhận được hàng loạt ý kiến không đồng tình từ các nhà văn hoá, các sử gia, kiến trúc sư...

Mới đây nhất, đề án chỉnh trang sơn lại mặt tiền 75 tuyến phố chính để chào đón Đại lễ 1.000 năm cũng khiến nhiều người hoài nghi về tác dụng của nó trong việc “làm đẹp” phố phường.

Tất cả nguyên nhân của sự “lỗi hẹn tập thể” này chỉ có thể giải thích bằng lý do: Dường như “vị chủ nhà” của Đại lễ đã có hơi nhiều tham vọng trong việc xây dựng các công trình, tổ chức các sự kiện chào mừng dịp kỷ niệm “ngàn năm có một” này.

Việc chưa tính toán kỹ lưỡng các yếu tố khách quan (trong đó có cả sự phản biện xã hội) đã khiến chủ nhà nhiều lúc tự đẩy mình vào thế bí vì không thắng được “tiến độ rùa” hoặc phải tuyên bố dừng dự án.

Nở rộ “ăn theo”

Chủ trương “xã hội hoá”  các sự kiện chào mừng ngày Đại lễ cũng là một cách làm hay để huy động được nhiều nguồn lực xã hội, biến sự kiện lớn của đất nước trở thành ngày hội toàn dân. Song đôi lúc, đôi chỗ còn có sự lạm dụng, chỉ cần gõ cụm từ “chào mừng 1.000 Thăng Long” trên mạng là thấy bật ra hàng trăm kết quả trên các trang rao vặt.

Công ty cổ phần A.Đ giới thiệu rượu “Thăng Long tửu” là một mặt hàng đã được đăng ký   sản phẩm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm. Một phân xưởng đúc tượng mỹ nghệ ở Bạch Mai, Hà Nội cũng quảng cáo đúc tượng “doanh nhân lịch sử” chào đón ngàn năm nhưng lại liệt kê ra các danh nhân như Vua Lý Thái Tổ, Vua Quang Trung, Quốc công Trần Hưng Đạo...

Đám cưới tập thể cho 1.000 đôi uyên ương, chiếc quạt khổng lồ của làng Chàng Sơn (Hà Nội), vận động tiền của để đúc cặp lục bình khổng lồ, một doanh nghiệp gốm sứ danh tiếng cũng làm quà tặng cho Thăng Long ngàn tuổi một chiếc chén ngọc.

Chỉ riêng tranh thêu khổng lồ để dâng tặng Đại lễ đã có ít nhất  3 dự án đã và đang khởi động. Những tác phẩm này được hàng ngàn tay kim thực hiện với số ngày công cũng lên tới con số hàng ngàn, và kinh phí bỏ ra tròm trèm 5,6 tỷ đồng.

Thà ít mà tinh

Theo tôi, chúng ta nên chú trọng vào những công trình thiết thực, mang tính phúc lợi xã hội cao, chứ không nên quá chú trọng vào những công trình khánh tiết, nghi thức. Cái quan trọng là phải dựng được không khí ngày hội, tạo được sự tự hào và nâng cao mức sống cho người dân Thủ đô

Không ai có thể ngăn cản được tấm lòng của con dân nước Việt hướng về Đại lễ, nhưng thật tiếc biết bao nếu những doanh nghiệp, tổ chức có “máu mặt” và “nặng hầu bao” chỉ chăm chăm hướng đến những kỷ lục, những công trình mang nặng tính khánh tiết mà xem nhẹ những vấn đề thiết thực với dân sinh.

Trên các diễn đàn, bình luận về số tiền 50 tỷ đồng TP. Hà Nội chi cho việc sơn lại các nhà mặt phố, rất đông người bày tỏ ý kiến: “Số tiền ấy tốt hơn là để tu sửa một bệnh viện, hay một trường học cho khu ngoại thành vốn đang quá thiếu thốn”.

Hàng ngày, nghe những thông tin “chiếc bánh kỷ lục”, “bát miến kỷ lục”, “chiếc bình kỷ lục”... vừa thấy vui mà cũng lại thấy buồn. Vui vì những người thợ lành nghề của chúng ta đã có thể làm được những sản phẩm kỳ vĩ, nhưng buồn vì cứ nghĩ, giá như tiền ấy để làm một việc khác, ích hơn cho dân sinh.

Chưa ai làm một con số thống kê những con số rải rác ấy, song góp lại, chắc cũng đủ để tạo thành một “cơn bão lớn” trong bối cảnh nền kinh tế đang phải “thắt lưng buộc bụng”.

Chắc chắn không nhiều người biết một chuyện đáng mừng, để hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn đã phát động hội viên trồng 1.000 cây ăn quả. Rõ ràng, đó là một “kỷ lục” vừa ích nước vừa lợi nhà, và “ăn chắc mặc bền” đúng như ông bà ta đã dạy.