Dân Việt

“Đứt ruột” nhìn nghêu chết

31/03/2010 15:09 GMT+7
NTNN - Nghêu thịt chết hàng loạt khiến nhiều nông dân trắng tay, sạt nghiệp...

img
Nông dân xã Tân Thành vớt nghêu chết hàng loạt.

Tiền tỷ tan theo bọt biển...

 

Ngày 30-3, PV NTNN đã tìm về vùng nuôi nghêu thuộc vào hàng lớn nhất và cũng bị thiệt hại nặng nhất trong mấy ngày qua thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Không khí buồn bã bao trùm lấy vùng biển này.

Ngày 30-3 bà Huỳnh Thị Tỏ -  Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, UBND huyện và các ngành chuyên môn đang tổ chức đoàn đi kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm để tìm ra nguyên nhân nghêu chết. Tại xã Tân Thành có 50% diện tích nghêu bị chết trắng. Ở các sân nghêu khác tỉ lệ nghêu chết ở mức 60-70% . Tính đến ngày 30-3 diện tích nghêu  chết trên địa bàn huyện khoảng 2.000ha, thiệt hại về kinh tế hơn 400 tỷ đồng.

Nhiều người nuôi nghêu thổ lộ: “Mấy tuần trước, thấy nghêu chết tấp vào bờ, người dân còn dùng vợt vớt đem đổ bỏ. Gần đây, nghêu chết quá nhiều nên người dân có vớt cũng không xuể, đành bỏ mặc cho sóng biển muốn cuốn đi đâu thì cuốn.

Mấy ngày qua, “vua nghêu” Sáu Mánh (Võ Văn Mánh, 71 tuổi được người dân trong vùng tôn vinh là người nuôi nghêu giỏi nhất Tiền Giang) chẳng buồn bước chân ra sân nghêu của mình.

Tiếp chúng tôi, Sáu Mánh buồn giọng: “Mấy chục năm nuôi nghêu, tui chưa bao giờ chứng kiến cảnh nghêu lại ngả ra chết với lượng nhiều như lần này. Toàn bộ sân nghêu 17 ha của gia đình tui trong vòng một tuần đã chết gần hết. Chỉ riêng khoản vốn đầu tư ban đầu cho sân nghêu này đã hơn 2 tỷ đồng. Nếu tính đúng, tính đủ (công cán, thiệt hại nghêu thịt, lãi vay) thì gia đình tôi mất đứt gần 5 tỷ đồng trong vụ nghêu chết này. Nuôi nghêu lâu năm như tui vẫn phải vay ngân hàng 700 triệu đồng. Những người cũng phai vay ngân hàng, nếu bị thất bại nặng sẽ khó có vốn để tái sản xuất trong khi nợ ngân hàng thì vẫn phải trả đủ...”.

Nhiều “đại gia” nuôi nghêu ở Tân Thành cũng rơi vào tình trạng như ông Sáu Mánh. Những hộ nuôi lớn như ông Nguyễn Minh Toàn (15ha), Lê Văn Hưng (11ha), Võ Minh Hùng (19ha), Bùi Văn Long (8ha)… đều đã đầu tư bạc tỷ cho sân nghêu đang đứng ngồi không yên nhìn bạc tỷ cuốn trôi theo bọt biển từng giờ từng khắc...

Nguyên nhân do hạn mặn?

Hợp tác xã Rạng Đông (Bến Tre) đang khẩn cấp di dời 200 tấn nghêu giống đi nơi khác đề phòng dịch bệnh. Sân nghêu 400ha ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) hiện cũng rơi vào tình trạng nghêu chết hàng loạt. Nhiều diện tích tỷ lệ nghêu chết ở mức khoảng 40 - 50%.

Theo ông Nguyễn Văn Rum – Chủ tịch UBND xã Tân Thành, vụ nghêu năm nay toàn xã thả nuôi khoảng 1.200ha. Chỉ tính riêng tiền con giống đã hơn 150 tỷ đồng. Tính khoản lãi vay, tiền thuê đất và nhân công trung bình 300 công/ ha thì số vốn bỏ ra của dân cũng xấp xỉ 200 tỷ đồng.

Nuôi nghêu đầu tư vốn rất cao nên hệ số lãi cũng khá cao, trung bình là một vốn thu một lãi. Do đó nếu tính tổng thiệt hại có thể lên đến vài trăm tỷ đồng…

Theo ông Võ Văn Mánh, năm nào sau Tết Âm lịch cũng xảy ra hiện tượng nghêu chết, bình quân 5 – 10%. Mọi năm, gió chướng thổi từ tháng 10, 11 âm lịch, đến tháng Chạp thì chuyển qua Đông nồm. Đây là thời điểm độ mặn và nhiệt độ tăng cao, nghêu bị sốc nước và chết.

Năm nay gió chướng kéo dài hàng tháng liền, trời nắng nóng lại không có mưa nên nghêu chết trắng cả bãi biển mà không có cách nào cứu vãn. “Nếu trong vòng 10 ngày nữa mà không có mưa, gió không đổi hướng thì nghêu sẽ chết sạch. Năm sau chưa chắc có nghêu giống để tái sản xuất!” - ông Mánh cảnh báo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Vinh – Trưởng Phòng thủy sản huyện Gò Công Đông cho biết, độ mặn trung bình hàng năm ở vùng này không quá 25‰, thích hợp với sinh trưởng của nghêu. Từ sau Tết đến nay, độ mặn tăng lên trên dưới 30‰, có thời điểm lên đến 32 - 35‰ nên nghêu dễ bị sốc.

Cũng theo ông Vinh, con nghêu rất “nhạy” với thời tiết. Chỉ cần thấy nghêu tự vùi xuống cát là dân biển biết sắp có gió chướng. Nghêu sẽ vùi đến khi nào gió đổi hướng mới chịu trồi lên. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, sau vài ngày nghêu sẽ tự phục hồi và sống. Tuy nhiên, do thời gian qua gió chướng liên tục thổi nên nghêu chết luôn trước khi kịp trồi lên khỏi cát.