Dân Việt

Lúa - tôm tranh chấp

05/04/2010 10:30 GMT+7
NTNN - Cuối tháng Ba năm nay, mặn đi sâu vào nội vùng Bạc Liêu làm hàng nghìn ha lúa trổ nghẹn đòng và chết trắng, nông dân kêu trời, còn người nuôi tôm thì điêu đứng...

img
Vuông nuôi tôm ở Bạc Liêu đang thiếu nước trầm trọng.

Thiếu nước ngọt, lúa chết 

Thiếu nước ngọt, nông dân Nguyễn Tùng Em ở xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình phải trực bơm nước hàng ngày, cũng chỉ để đỡ khát cho gần 6 công lúa đang trổ nghẹn, mà theo anh nếu có thu hoạch cũng chẳng đáng gì. 

Tại những tiểu vùng đan xen lúa, tôm đòi hỏi có nhu cầu nước khác nhau nên càng khó bề quản lý. Khi khảo sát dọc tuyến Giá Rai - Phó Sinh, con kênh rộng gần 50m nhưng mực nước quá thấp bởi cống ngăn mặn Phó Sinh không mở lấy nước được vì phục vụ được tôm thì mất lúa.

Dọc bên phải tuyến kênh của xã Phong Tân chuyên canh lúa cả ngàn ha, còn bên trái tuyến kênh là khu vực nuôi tôm rộng lớn. Nghĩa là, một bên nông dân đang cần nước ngọt cho lúa trổ, một bên lại cần nước mặn cứu tôm.

Tại vùng chuyên lúa dọc tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, nông dân bơm trữ nước ngọt nhưng chẳng thấm vào đâu. Còn tiểu vùng lúa thuộc tam giác Ninh Qưới có trên 10.000ha, sức bơm không nhiều, chỉ là "chữa cháy" tạm thời. Tại huyện Hòa Bình, nơi có gần 11.000ha lúa đông xuân, cũng đang thiếu nước...

Thiếu nước mặn, tôm chết

Các nhà quản lý đang đau đầu: Điều tiết mặn cho tôm thì cây lúa "la làng", giữ ngọt thì con tôm kêu trời, hiện tại cả lúa và tôm đều chết khát, lụi dần, nông dân như ngồi trên đống lửa, nóng lòng chờ nước.

Tại huyện Giá Rai, KS. Nguyễn Văn Trận - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Tôm chết lâu nay chỉ xảy ra nhiều ở khu vực nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. Nhưng năm nay 7.000ha tôm bị chết là của khu vực nuôi quảng canh ổn định. Cách nay 1 tháng, trà lúa đông xuân của huyện cũng chết cục bộ và kéo dài đến nay.

Trên thực tế đã xuất hiện những tác động bất lợi rõ ràng: Tình trạng thiếu nước sản xuất (nước mặn và ngọt) ngày càng gay gắt và tấn công vào cả vùng sản xuất ổn định (vùng tôm quảng canh, chuyên canh lúa khu tam giác Ninh Qưới); những hệ thống canh tác đan xen giữ lúa và tôm gây khó trong điều tiết; nước đầu nguồn cạn kiệt vì mạnh địa phương nào nấy lấy; vùng khuyến cáo không canh tác thì cứ canh tác...

Do thiếu nước nên những vùng nuôi tôm quảng canh tôm chết trắng ao và đã có gần 8.000ha diện tích tôm nuôi ở Bạc Liêu bị thiệt hại.

Nhiều nhà khoa học và nhà nông bức xúc: Phải chi đừng có cái cống, cái đập, cứ để tự nhiên như ngày nào, diễn biến tự nhiên theo mùa sẽ cho đời 3 hệ sinh thái mặn - ngọt - lợ, theo đó sẽ luôn có sản phẩm đa dạng từ 3 hệ sinh thái trên một cách dồi dào. 

Còn hiện nay, chuyện mặn xâm thực, thiếu nước sản xuất tuy được được đầu tư mạnh hàng năm, nhưng năm nào cũng điệp khúc thiếu nước, xâm mặn triền miên. 

GS - TS. Võ Tòng Xuân nhận định: Nên chăng, cần xem lại quy hoạch sản xuất, biện pháp công trình, giải pháp ứng dụng kỹ thuật, trong khi việc điều tiết nước liên quan đến nhiều tỉnh, mang tầm vóc vĩ mô, các địa phương khó bề xử lý đồng bộ.

Theo ngành nông nghiệp, phải tiếp tục vận động nông dân tranh thủ bơm trữ nước ở những nơi có điều kiện; ngành kết hợp các địa phương giám sát và tổ chức điều tiết nước ở mức cho phép, kết hợp nạo vét các tuyến kênh thiết yếu để cứu diện tích tôm -  lúa còn lại, đồng thời kiến nghị trung ương có những biện pháp đồng bộ…