Nuôi heo biết kết hợp với cách tiếp thị để tiêu thụ nên doanh thu của chị Việt khá cao. |
Suốt 6 năm hành nghề uốn tóc và nuôi heo vẫn không giúp chị thực hiện ước mơ làm giàu. Nhiều lần nghe chương trình khuyến nông phát vào buổi sáng của đài phát thanh thành phố giới thiệu kỹ thuật, hiệu quả của nuôi heo rừng và những địa chỉ nuôi thành công con vật hoang dã này, chị tìm đến học hỏi kinh nghiệm.
Năm 2006, chị quyết định tạm biệt nghề uốn tóc và ngưng nuôi heo nhà để lên Bình Dương mua 10 con nái và 2 con đực giống giá 60 triệu đồng về nuôi trên diện tích 230m2 trước đây nuôi heo nhà. "Đàn heo phát triển nhanh, tôi mê quá, nên quyết kiếm mặt bằng làm trang trại nuôi heo rừng" - chị Việt tâm sự.
Năm 2007, chị sang ấp 1, xã Đông Thạnh thuê 6.000m2 ruộng trũng, giá 10 triệu đồng/năm mà chủ nhân chưa có điều kiện cải tạo và đầu tư 180 triệu đồng san lấp mặt bằng, lắp đường ống cấp nước sạch, tạo địa hình tự nhiên và cất chòi cho heo trú ngụ.
Chị dành gần 1.000m2 chuyên trồng rau muống nước làm thức ăn cho heo. Chị cho biết, Đông Thạnh hiện có 3 hộ nuôi heo rừng nhưng chị là người khởi nghiệp nuôi heo rừng hàng hoá.
Giá bán heo rừng khá ổn định: Heo thương phẩm luôn giữ giá 120.000 đồng/kg; heo giống từ 220.000 - 250.000 đồng/kg, nhu cầu thị trường rất lớn, nhất là vào dịp Tết cổ truyền hoặc ngày lễ. Trang trại của chị sát Rạch Tra thông ra sông Sài Gòn nên rất dồi dào bèo lục bình và có đất trồng rau muống nên chi phí "đầu vào" giảm đáng kể.
“Còn tiêu thụ, tôi chỉ cần chào hàng trên mạng là khách từ Tây Nguyên, miền Trung, TP. Hồ Chí Minh… đặt hàng liền"- chị Việt cho hay. Với phương thức tiếp thị này, doanh thu từ heo rừng mỗi năm của chị từ 200 - 250 triệu đồng. Trang trại của chị còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hai lao động từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống.