Lâm tặc đang xẻ gỗ trong rừng Kim Hỷ. Ảnh chụp ngày 4-4. |
Đục rỗng rừng già
Sáng 4-4, chúng tôi đến điểm rừng Lũng Thúc, Phúng Eng (xã Lương Thượng, huyện Na Rì), khu vực được coi là điểm nóng của cuộc chiến gỗ nghiến hiện nay. Chuyến nhập rừng của chúng tôi đúng ngày nghỉ, lâm tặc kéo vào rừng khá đông.
Trên đường di chuyển thỉnh thoảng chúng tôi lại phát hiện một nhóm từ 7 - 10 người, gồng gánh gạo muối cưa máy, xăng dầu vào rừng hạ cây. Qua khảo sát khu vực rừng ở Lũng Thúc, Phúng Eng chúng tôi đã đếm được không dưới 5 điểm lâm tặc đã “ăn” hàng, chỉ còn sót lại những gốc cây cổ thụ.
Trong tiếng ầm ầm mìn nổ, cưa chạy, anh bạn đồng nghiệp cho biết, lâm tặc vào phá rừng Kim Hỷ có đủ thành phần và phương tiện. Từ dân trong xã cho đến các xã lân cận như Ân Tình, Lương Thành đến những vùng xa xôi ở Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Gỗ nghiến ở đây nhiều, giá lại đắt nên được đám lâm tặc rất chuộng. Một cục thớt nghiến xẻ theo quy cách: Rộng 45cm, dày 18cm, bán tại chân núi luôn có giá từ 130.000 - 150.000 đồng/cục.
Công thuê vác một cục thớt nghiến, từ trên núi xuống đến đường xe gắn máy, được trả công 50.000 đồng/cục. Khi gỗ, thớt nghiến được chuyển ra đường, các đầu nậu tiếp tục gom lại khi nào đủ chuyến sẽ gọi đội xe gắn máy vào chở hàng đi theo hướng xã Lương Thành và Lạng Sơn. Khi lên xe chúng phóng bạt mạng nên kiểm lâm có phát hiện cũng chẳng chặn bắt được.
Gỗ đổ về Lạng Sơn
Chỉ cần nửa ngày có mặt ở khu vực rừng Kim Hỷ, chúng tôi đã dễ dàng phát hiện được con đường đi của những xe gỗ lậu. Một lái xe chuyên chạy gỗ lậu ở đây kể với chúng tôi: Gỗ nghiến đã được dân đi rừng tăm sẵn, dùng cưa máy xẻ ra từng khúc, rồi sử dụng xe máy, ô tô chuyên chở.
Đến đoạn cuối của Quốc lộ 279 đoạn tiếp giáp với xã Thiện Hoà huyện Bình Gia (Lạng Sơn) ở đây lúc nào cũng có những đầu nậu đợi sẵn và lo nốt phần còn lại. Tại đây mỗi khúc gỗ được rao bán với giá 400.000 đồng.
Tại đèo Khau Khem, điểm giáp ranh giữa Bắc Kạn và Lạng Sơn, các đầu nậu ngang nhiên dựng lên 2 cái lán để thu gom gỗ. Theo dân đi gỗ bên Bắc Kạn sở dĩ chẳng làm gì được lâm tặc vì chúng rất liều mạng, không hề sợ lực lượng bảo vệ của tỉnh Bắc Kạn.
Đã có mấy đợt công an và kiểm lâm phối hợp truy đuổi lâm tặc nhưng hàng chục tên được trang bị dao quắm, sẵn sàng chống lại, nên liên quân công an và kiểm lâm bảo vệ rừng Kim Hỷ bên phía Bắc Kạn đành bó tay.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chạy qua 7 xã của 2 huyện Bạch Thông và Na Rì thì có tới 4 xã trở thành điểm nóng phá rừng là Côn Minh, Ân Tình, Lương Thượng, Vũ Muộn…
Cá biệt tại 8 thung lũng của xã Ân Tình như lũng Chân, lũng Chấn Thả, dân kéo vào rừng ùn ùn đến mức Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh tên là Hoàng Đức Toàn đã phải viết đơn từ chức vì hầu hết dân bản, kể cả con trai ông đều vào vùng lõi khu bảo tồn để chặt hạ rừng mà ông không tài nào ngăn chặn được.