Dân Việt

Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng

06/04/2010 11:24 GMT+7
NTNN - Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), tình trạng thiếu điện đang ở mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo các tỉnh miền Bắc có thể bị hạn hán gay gắt.

img
  Hạn hán khiến việc phát điện  gặp nhiều khó khăn.

Hồ chứa giảm 50% dung tích

Bộ NN&PTNT cho biết, tại hầu hết các hồ chứa thuỷ lợi lớn như Đồng Mô (Hà Nội), Đại Lải (Vĩnh Phúc), Suối Mỡ (Bắc Giang), Núi Cốc (Thái Nguyên)… mực nước đã xuống rất thấp, trung bình chỉ còn 50% so với dung tích hữu ích. Đặc biệt tại hồ Đồng Mô mực nước trong những ngày gần đây đã cạn gần tới… đáy.

Trong khi đó, tại các hồ chứa thuỷ điện mực nước vẫn đang tiếp tục bị hụt so với dung tích chứa của hồ. Hiện mực nước ở hồ Hoà Bình đã xuống đến cốt 104,1m (tương đương 3,6 tỷ m3 nước). Hồ Thác Bà còn 20 triệu m3. Hồ Tuyên Quang còn 200 triệu m3, cộng với một số hồ khác như Bản Vẽ, Cửa Đạt, tổng lượng nước còn để dùng cho cả phát điện và nông nghiệp chỉ còn khoảng 4,2 tỷ m3.

Ông Đàm Hoà Bình- Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thuỷ lợi, Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Từ nay đến khi có lũ tiểu mãn (tức cuối tháng 5, đầu tháng 6) chúng ta chỉ còn lượng nước trên để sử dụng cho cả phát điện và tưới dưỡng lúa đông xuân ở miền Bắc, nên tình hình chắc chắn rất căng thẳng".

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, nhu cầu nước để phục vụ tưới dưỡng lúa đông xuân vẫn rất lớn do lượng mưa năm nay thiếu hụt hơn so với cùng kỳ năm trước, nên chỉ còn nguồn duy nhất là lấy nước từ các hồ chứa, chưa kể các hồ sẽ còn tiếp tục phải xả nước để phục vụ sản xuất vụ hè thu, cùng các mục đích khác.

Theo ông Bình: "Biện pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải sử dụng tiết kiệm nước.

Thà chịu lỗ...

Ngày 5-4, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị “Tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện trong các tháng mùa khô”. Theo chỉ thị này EVN phải phối hợp với Bộ NN&PTNT để sử dụng có hiệu quả các nguồn nước cho phát điện và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Huy động hợp lý công suất, điện năng các nhà máy thuỷ điện, các nguồn điện mua của các nhà máy độc lập, tăng cường nhập khẩu điện. Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN cũng cần tăng cường cung cấp khí để phục vụ sản xuất điện.

Theo tính toán của EVN, 3 tháng đầu năm nay, nhu cầu điện tăng hơn 23%, trong đó, điện cho sản xuất tăng khoảng 40%. Ở một số nơi, điện cho sản xuất tăng cao, như khu vực miền Bắc tăng khoảng 40%, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam tăng hơn 32%, miền Trung tăng khoảng 47%. Cá biệt, Hà Nội điện cho sản xuất tăng tới 71%.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), tình hình khô hạn đang xảy ra trên diện rộng nên lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện hiện tại rất thấp (chưa từng xảy ra trong lịch sử). Để phục vụ sản xuất vụ đông xuân, trong tháng 1 và tháng 2, các hồ thuỷ điện miền Bắc đã tiến hành 3 đợt xả nước và còn tiếp tục xả để phục vụ dưỡng lúa với tổng lượng nước đã xả lên đến trên 3,4 tỷ m3.

Trong khi đó nắng nóng sớm tại miền Bắc vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 làm phụ tải tăng cao, lượng điện mua từ Trung Quốc bị giảm 100 triệu kWh từ tháng 3-2010; khí PM3 cấp cho cụm nhà máy điện Cà Mau chỉ đạt 3,5 triệu m3/ngày trong khi nhu cầu cần 6 triệu m3/ngày. Đây là những nguyên nhân làm cho khả năng thiếu điện vào những tháng tiếp theo rất lớn.

Ông Đậu Đức Khởi- Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: “Dự kiến, sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 là 270 triệu kWh/ngày, tháng 5 là 275 triệu kWh/ngày, tháng 6 là 285 triệu kWh/ngày, nếu không đảm bảo được sản lượng trên, có khả năng buộc phải cắt điện luân phiên”.

Hiện EVN cũng đang tính toán đề xuất với Bộ Công Thương cho phép điều tiết sản lượng hệ thống. Bởi nếu quá tải, thì hệ thống sẽ tự động sa thải tải, và như thế, ảnh hưởng sẽ không chỉ đối với các hộ sản xuất mà cả hộ gia đình.

Đồng thời, EVN cũng kiến nghị Chính phủ cho phép huy động nguồn cấp phụ tải của những dự án điện ngoài ngành đang trong giai đoạn chạy thử.

“Trong trường hợp thiếu điện, EVN sẽ mua lại điện bằng chạy dầu, cho dù giá điện có thể đội lên 5.000 đồng/kWh. Dù vậy, chúng tôi cung cấp đủ nguồn điện cho sản xuất và tiêu dùng” - ông Khởi nói.