Dân Việt

Bệnh lùn sọc đen tiếp tục lây lan ở phía Bắc

06/04/2010 11:05 GMT+7
NTNN - Nếu như lúa nhiễm bệnh bị nghẽn (nghẹt) đòng thì mối nguy mất mùa là hiện hữu...

img
Bệnh lùn sọc đen tiếp tục lan rộng ở các địa phương.

Chỉ trong vòng 1 tuần, từ 29-3 đến ngày 5-4, đã có thêm 800ha lúa bị virus lùn sọc đen (LSĐ) tấn công. Tính đến nay, đã có 25 tỉnh thành phía Bắc phát hiện có lúa bị nhiễm bệnh với tổng diện tích nhiễm lên tới hơn 150.791ha.

Điện Biên là tỉnh mới nhất vừa phát hiện có bệnh, tuy nhiên chưa có thống kê đầy đủ diện tích nhiễm ban đầu. Theo dự báo, bệnh sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng. Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhận định, diện tích nhiễm mới trong tuần lên tới 800ha là cao, vì thế các địa phương cần nâng cao cảnh giác. 

Những mối lo về nguy cơ mất mùa đã bắt đầu xuất hiện khi tại Ninh Bình, diện tích lúa nhiễm bệnh tại huyện Nho Quan, Gia Viễn đã có triệu chứng đòng bị xoắn lại và không thể trổ bông được.

Tính đến ngày 5-4, đã có 5 tỉnh công bố dịch và thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại các địa phương bao gồm Quảng Trị, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng và Bắc Ninh.

 

Ông Trần Văn Bách- Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Bình cho biết, chỉ từ ngày ngày 2 đến ngày 4-4 diện tích nhiễm mới của toàn tỉnh là 239ha, chủ yếu ở các huyện Tam Điệp, Hoa Lư, trên các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm, Tạp giao...

Điều mà ông Bách băn khoăn và lo lắng là tất cả các diện tích này đều đang trong thời kỳ phân hoá đòng. “Nếu kịch bản lúa bị bệnh không thể trổ bông thì nguy cơ giảm năng suất, sản lượng là không thể tránh khỏi”- ông Bách cho biết thêm.

Còn tại Thái Bình, địa phương bị nhiễm LSĐ lớn nhất tính đến thời điểm này đã lên tới gần 18.000ha, từ cán bộ nông nghiệp đến bà con nông dân vẫn đang như ngồi trên đống lửa. “Lúa nhiễm bệnh, khi lúa trỗ, đòng không thoát được thì sẽ thiệt hại khoảng 70-80%.

Theo tính toán, lúa sẽ trổ rộ từ ngày 10 đến ngày 20-5 và chỉ sau khi lúa đã trổ chúng tôi mới có thể thở phào được”- ông Trần Xuân Định - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình lo lắng. 

Những lo lắng của nhiều địa phương hoàn toàn có cơ sở khi ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến Ngư Quốc gia khẳng định: “Lúa đã bị nhiễm virus LSĐ thì không thể phục hồi được”.