Sạt lở khắp nơi
Ngày 3.4, theo ghi nhận của phóng viên NTNN, tình hình sạt lở ở khu vực ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ ngày càng nghiêm trọng. Sạt lở bắt đầu ăn sâu vào Tỉnh lộ 923, khiến 12 căn nhà của người dân dần dần lọt thỏm xuống sông Cần Thơ. Các ngành chức năng huyện Phong Điền đã khẩn trương di dời 12 hộ dân vào nơi an toàn. Chị Thái Thị Hạnh - 1 trong số 12 hộ dân cho biết: “Trước đó, tại khu vực này đã xuất hiện một vài vết nứt, đến gần 10 giờ ngày 29.3 thì vết nứt lan nhanh ra dẫn đến hiện tượng sụt lún”.
Hiện trường vụ sạt lở tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ ngày 3.4. |
Được biết, Tỉnh lộ 923 với chiều dài toàn tuyến là 11,3km, bao gồm 7 cây cầu, trong đó có 3 cây cầu nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở, gồm cầu Cái Sơn, Trường Tiền và cầu Rạch Kè. Lo sợ dòng chảy làm ảnh hưởng đến công trình, các ngành chức năng đã bỏ ra hàng tỷ đồng xây kè phía bên ngoài cầu Rạch Kè và cầu Trường Tiền. Tuy nhiên, hiện khu vực cầu Trường Tiền đoạn cua qua chợ Mỹ Khánh đang có nguy cơ sụt lún rất cao.
Từ năm 2006 đến nay, trên tuyến Tỉnh lộ 923 đã xảy ra gần chục vụ sụt lún, sạt lở, làm nhiều người chết và bị thương, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tại An Giang, theo cảnh báo của Sở TNMT, trên địa bàn tỉnh có 53 đoạn trên sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nam có nguy cơ sạt lở. Có 12 đoạn ở mức độ rất nguy hiểm, 32 đoạn ở mức độ nguy hiểm và 9 đoạn sạt lở trung bình. Trong tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng đã tiếp tục phát hiện một vết nứt kéo dài gần 80m cách Quốc lộ 91 đoạn từ TP.Long Xuyên đi Châu Đốc hơn 85m, có nguy cơ sạt lở xuống sông Hậu. Vết nứt xuất hiện gần nơi xảy ra vụ sạt lở khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức vào năm 2012, làm ảnh hưởng đến 22 hộ dân.
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, thuộc 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang, làm phát sinh thêm hàng ngàn hộ dân cần được sớm di dời nhưng không có nơi bố trí. Hai tỉnh này đang đề nghị T.Ư đầu tư thêm 24 cụm, tuyến dân cư, để sớm bố trí cho hơn 6.500 hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm.
Lập đồ án quy hoạch chống sạt lở
Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở ở ĐBSCL là do tình trạng chiếm lòng sông rạch ngày càng trầm trọng, do thay đổi dòng chảy và do sóng lớn từ các phương tiện giao thông thủy. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã chỉ đạo Sở GTVT và Sở NNPTNT khẩn trương khảo sát, có phương án khắc phục khu vực sạt lở tại xã Mỹ Ái. Trước mắt là sử dụng cọc dừa, bạch đàn làm kè và chèn rọ đá ngăn chặn sạt lở. Về lâu dài, cần sớm nghiên cứu phương án xây dựng bờ kè bảo vệ tuyến lộ vòng cung”.
Ngày 3.4, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Hoàng Ba – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ cho biết: “Huyện đang làm thông báo chỉ đạo rà soát, tổng điều tra tất cả các hộ đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở để từ đó có hướng di dời, bố trí tái định cư. Hướng tới, chúng tôi sẽ xem xét, kiến nghị làm kè tại những điểm nóng về sạt lở”.
Ông Trần Anh Thư – Phó Giám đốc Sở TNMT An Giang cho biết: Sở đã đề xuất UBND tỉnh một số giải pháp mang tính đồng bộ và lâu dài, như: Triển khai thực hiện đồ án “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn tỉnh An Giang”, có kế hoạch chi tiết khảo sát kiểm tra định kỳ hàng năm và cập nhật hiện trạng tổng thể 5 năm/lần, đồng thời xây dựng, cập nhật dữ liệu về diễn biến sạt lở hàng năm trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài cần có giải pháp chỉnh trị dòng chảy tại các đoạn sông.
Đức Khánh