Dân Việt

Chim rừng kêu phố

05/04/2013 06:56 GMT+7
(Dân Việt) - Người dân TP. Quy Nhơn (Bình Định) đã quen cảnh xe máy chở những chiếc lồng to, bên trong nhốt đủ các loại chim rừng đem rao bán. Nuôi chim là thú tiêu khiển đang “hot”, dẫn đến việc chim rừng lũ lượt về phố…

Chim liên tỉnh

Trong lúc ngồi ở TP.Quy Nhơn chờ xe về Phú Yên, chúng tôi trò chuyện với hai người đàn ông đi bán chim rừng rong là anh Nguyễn Văn Hà và Hồ Ngân Diên. Đang trưa, trời nắng chang chang, không có khách nên các anh tranh thủ ngồi nghỉ dưới bóng cây ven đường.

Anh Hà kể: “Đoàn chúng tôi có 5 người, gốc ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Mùa này không đi làm xa, tranh thủ những cơn mưa hiếm hoi, chúng tôi đi kéo chim về bán. Làm nghề này trong thời gian ngắn nhưng kiếm được tiền khá hơn đi làm thợ xây”.

img
Một người bán chim rừng trên đường phố Quy Nhơn.

Trong hai chiếc lồng làm bằng khung gỗ, bịt lưới thép cồng kềnh đặt trên hai chiếc xe máy cũ, nhiều nhất là chim chào mào trắng má đỏ. Mỗi lồng có khoảng trên trăm con. Theo anh Hà, những con nhốt ở tầng dưới cùng là chim cà cưỡng và nhồng, loại này mỗi con có giá vài trăm ngàn đồng nhưng rất hiếm, trong khi chào mào chỉ 70.000 đồng/con.

Tôi hỏi, làm sao các anh bắt được nhiều chim chào mào như thế, anh Hà giải thích:

“Có nhiều cách bẫy, nhưng thông thường kéo chài mới được số lượng nhiều. Cách đây mấy năm, khi chim còn nhiều, chúng tôi bắt một đêm có thể cả ngàn con. Nay chim ít dần, đêm nào trúng cũng chỉ được chừng trăm con. Thường buổi chiều, trên các đồng xa, chim chào mào kéo từng đàn về ngủ trong rẫy mía hay một góc rừng săn non, mình phát hiện rồi buổi tối đem lưới chài lỗ cỡ nhỏ giăng một đầu bằng hai cây sào, căng rộng.

Ngược lại đầu kia, mình đi đuổi, bị động, chim rừng sẽ dồn về phía trước, chúng sẽ bị dính lưới số nhiều, tha hồ mình gỡ bỏ lồng…”.

Sau khi về nhà, các chú chào mào được nhốt vào những chiếc lồng riêng, to và được tập ăn cám. Độ tuần sau, chúng lên xe theo người xuống phố Tam Kỳ (Quảng Nam), rồi dần dần vào tận Quy Nhơn.

Với giá bình quân từ 50.000 - 70.000 đồng/con chào mào, mỗi ngày một người bán được 10 con chim là đạt “ngày công”. Mỗi ngày thu nhập vài trăm ngàn đồng là ước mơ của nhiều người, nhưng không phải ai cũng làm được điều này. “Phải có nghề, ăn của rừng rưng rưng nước mắt, anh ơi!” - anh Diên phân trần.

Đem vui cho phố?

Theo các “lái” chim, nghề này mỗi năm chỉ làm một lần vào cuối thu đầu đông. Chung quy cũng vì miếng cơm manh áo, cho con đi học chứ không mơ làm giàu. Chính vì thế mà các anh sẵn sàng ăn đường ngủ chợ, chấp nhận bao nhiêu búa rìu dư luận, sự nhòm ngó của lực lượng chức năng, miễn sao bán được hết số chim rồi sớm về với vợ con.

Những người bán chim lý luận rất đơn giản: Họ chỉ bắt chim mang về phố bán chứ tuyệt đối không ăn thịt hoặc đem bán cho các nhà hàng hay quán nhậu. Việc làm này chỉ là mang chúng từ nơi này sang nơi khác chứ không tận diệt chim rừng…

Chấp nhận sự khó khổ, song trong suốt buổi trò chuyện, anh Hà rất… tự hào: “Lũ tui là người đem niềm vui cho người ở phố!”.

Giá 70.000 đồng một con chào mào, ở quê không ai mua vì nó bằng giá của cả một ngày công lao động. Tuy nhiên ở thành phố, giá này không cao và rất nhiều người sẵn sàng “tậu” chim về treo đầy nhà.

Khách hàng của các anh từ khắp các tỉnh, thành, hầu hết là những người thích tiêu dao… sinh thái. Khách chi bạo nhất là những người “chuyên máu” chơi chim cảnh và những người ở quê về phố sống muốn không gian nhà mình có tiếng chim hót để bớt ngột ngạt, đỡ nhớ đồng. Điều kiện họ cần ở những chú chim này là chỉ cần biết hót, nếu hót hay càng tốt. Chính niềm vui và sự đam mê này đã giúp chủ nhân của những con vật đáng yêu này không cảm thấy lãng phí thời gian hay mất công mất việc với những điều mình đang làm.

Khi tôi nói “bắt chim nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ tài nguyên môi trường”, các anh đều cho rằng biết sai nhưng vẫn làm. Và không riêng các anh, mà còn có nhiều người khác cũng làm vậy. Hơn nữa, chim rừng sinh nở vào mùa xuân, đến cuối thu chim đã trưởng thành, tụ thành từng bầy, nếu mình không săn bắt thì cũng sẽ có người khác… đến bắt, bắn. Thế rồi mỗi ngày, rừng càng thưa vắng tiếng chim…