Dân Việt

Lời xin lỗi chân thành

05/04/2013 18:29 GMT+7
(Dân Việt) - Hình như lần đầu tiên bạn đọc mới nhận được một lời xin lỗi chân thành từ một nhà xuất bản. Còn người dân đã nhận rất nhiều lời xin lỗi, nhưng những lời xin lỗi chân thành “cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi” thì rất hiếm hoi.

Ban giám đốc Nhà xuất bản Trẻ mới đây gửi thư xin lỗi về việc in sai ở bộ sách “Kiến văn tiểu lục”. Bộ sách này in sai 2 lỗi, một là ảnh Lê Quý Đôn lại bị nhầm thành ảnh Nguyễn Trãi, hai là tên dịch giả Phạm Trọng Điềm in thành Nguyễn Trọng Điềm. Trước đó, dư luận đã lên tiếng phê phán về những sai sót trên...

Nhưng có lẽ, đối với những người có lòng tự trọng, không những sẵn sàng nhận hết tất cả mọi lời chê trách, mà còn phải tự trách phạt mình trước những sai sót đó. Ban giám đốc Nhà xuất bản Trẻ đã làm như vậy. Trong thư xin lỗi có đoạn: “Lỗi sai này cực kỳ nghiêm trọng đối với chúng tôi, chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này. Ban Giám đốc NXB Trẻ và toàn thể nhân viên cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn đọc… Cuối cùng, trong sự xấu hổ của nghề nghiệp, NXB Trẻ chân thành xin lỗi bạn đọc và mong bạn đọc lượng thứ”.

Không phải một lời xin lỗi cho qua chuyện mà cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn đọc. Đọc bức thư này, có thể thấy rõ lời lẽ chứa đựng sự nhận lỗi chân thành, bày tỏ sự ân hận vì đã để xảy ra sai sót trong công việc, thấy mình bất xứng với bạn đọc.

Trong thời gian qua, có quá nhiều sai sót xảy ra, có nhiều vụ nghiêm trọng hơn, nhưng không thấy ai xin lỗi mà toàn tìm cách đổ cho người khác hoặc vì lý do biện minh. Điển hình như vụ sách học vần cho trẻ em có in hình cờ Trung Quốc, nhưng Nhà xuất bản Dân Trí đã không thấy lỗi của mình, còn trả lời với báo chí rằng đó là việc bình thường.

Tương tự như vậy, cuốn sách “Bé làm quen với chữ cái” do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản và phát hành có in hình cờ Trung Quốc, nhưng không ai đứng ra chịu trách nhiệm, không ai có một lời xin lỗi. Cuối cùng, Bộ Giáo dục - Đào tạo có công văn gửi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, yêu cầu chỉ đạo Nhà xuất bản Đại học Sư phạm khẩn trương thu hồi và xử lý toàn bộ số sách đã phát hành theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Nặng nề hơn, tại triển lãm du lịch quốc tế diễn ra tại Đức tháng 3 vừa qua, gian hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam lại treo bức ảnh danh thắng Lạc Sơn Đại Phật ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Sau khi thông tin này đưa lên các báo, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch không những không nhận lỗi và cúi đầu xin lỗi, mà còn đổ lỗi cho công ty du lịch khác.

Ở các nước văn minh, một cuốn sách giáo dục in sai nghiêm trọng, ông bộ trưởng giáo dục chắc chắn cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi trước khi nộp đơn từ chức. Hoặc ngành du lịch đưa sản phẩm của nước khác vào gian hàng của nước mình để quảng bá không công thì người đứng đầu ngành du lịch sẽ từ chức sau khi đã cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi...

Hình như lần đầu tiên bạn đọc mới nhận được một lời xin lỗi chân thành từ một nhà xuất bản. Còn người dân đã nhận rất nhiều lời xin lỗi, nhưng những lời xin lỗi chân thành “cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi” thì rất hiếm hoi.