Em định đăng ký thi khoa Công nghệ thực phẩm (CNTP) của ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng không hiểu gồm các chuyên ngành gì, sau khi ra trường làm gì, có thể xin việc ở những cơ quan nào? (Nguyễn Việt Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình)
- Hệ cử nhân công nghệ (chương trình đào tạo 4 năm) không có chuyên ngành hẹp. Tuy nhiên, khi học hết học kỳ 6, sinh viên có thể chọn các môn học tự chọn theo các định hướng khác nhau: Công nghệ thực phẩm, Quản lý chất lượng thực phẩm, Quá trình và thiết bị công nghệ thực phẩm.
Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật thực phẩm, các em có thể đảm nhiệm các vị trí công việc: Cán bộ kỹ thuật chuyên thiết kế và vận hành dây chuyền sản xuất các sản phẩm CNTP; cán bộ quản lý kỹ thuật chuyên tổ chức, quản lý và điều hành sản xuất các sản phẩm CNTP; chuyên gia tư vấn, đầu tư và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực CNTP; cán bộ nghiên cứu tại các viện khoa học thuộc lĩnh vực CNTP, giảng viên giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ và dạy nghề trong lĩnh vực CNTP. Các nhà máy thuộc lĩnh vực CNTP như rượu, bia, nước giải khát, bánh, kẹo, đường, chế biến lương thực, rau quả đồ hộp, chế biến thịt, cá, chế biến sữa, cà phê....
(Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)