Dân Việt

Có dấu hiệu nhiễm cúm vì tiếp xúc bệnh nhân H7N9

05/04/2013 14:02 GMT+7
Một người tiếp xúc thường xuyên với một bệnh nhân tử vong do nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 hiện đang được điều trị cách ly sau khi người này có triệu chứng sốt, chảy nước mũi và ngứa họng.

Ngày 5.4, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết thông tin trên.

Hiện hơn 400 người tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.

Cùng ngày, nhà chức trách Thượng Hải đã đóng cửa khu buôn bán gia cầm sống tại chợ nông phẩm Hỗ Hoài thuộc quận Tùng Giang, đồng thời bắt đầu tiêu hủy gia cầm tại đây sau khi phát hiện virus cúm H7N9 ở chim bồ câu bán tại chợ này.

img
Trung Quốc đã xác nhận 14 trường hợp nhiễm virus H7N9, trong đó 5 người đã tử vong. (Nguồn: kanzhongguo.com)

Tính đến nay, Trung Quốc đã xác nhận 14 trường hợp nhiễm virus H7N9, trong đó 5 người đã tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy virus H7N9 lây nhiễm từ người sang người và chưa rõ vì sao người bị nhiễm virus.

Hiện tại chưa có vắcxin phòng virus H7N9 cho người, song kết quả thí nghiệm cho thấy dòng virus H7N9 này chịu tác động của các loại thuốc chống virus như Tamiflu.

WHO đề nghị người dân trước mắt lưu ý vệ sinh tay và đường hô hấp, sử dụng các biện pháp an toàn thực phẩm, không ăn gia cầm nhiễm bệnh.

Các chuyên gia phân tích gen của virus cúm gia cầm H7N9 đã phát hiện ra rằng chủng cúm này bắt nguồn từ 3 loại virus mà trước đây được biết là chỉ làm gia cầm nhiễm bệnh.

Tạp chí khoa học Tự nhiên của Anh đã công bố phát hiện trên trong công trình nghiên cứu của các chuyên gia đến từ nhiều nơi trên thế giới. Kết quả nghiên cứu được căn cứ vào chuỗi gen của loại virus mà cơ quan y tế Trung Quốc công bố.

Trong công trình nghiên cứu này, các nhà khoa học phát hiện rằng tất cả tám đoạn gen đều có nguồn gốc là những virus cúm làm gia cầm nhiễm bệnh. Đặc biệt, các đoạn gen H7 và N9 được phát hiện có chung những đặc tính nhận dạng gần giống với những virus đã lây lan khắp châu Á và châu Âu trước đây.

Trong khi đó, sáu phân đoạn còn lại giống hệt chủng virus H9N2 thường được phát hiện trong chim hoang dã và gia cầm ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

Các nhà khoa học cũng phát hiện rằng gen của loại virus mới nhất đã biến đổi để dễ dàng trú ngụ trong các tế bào của bộ phận hô hấp của các động vật có vú.

Chính phủ Mỹ hiện cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm virus H7N9 tại Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Washington sẵn sàng hỗ trợ cơ quan y tế các nước trên thế giới. Trung Tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết cũng đang tiến hành nghiên cứu vắcxin phòng cúm gia cầm H7N9.

Theo TTXVN