Chụp X-quang tìm ung thư phổi
Theo nghiên cứu, mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 7.000 ca ung thư phổi. Trong đó, tới 62% phát hiện muộn, không còn khả năng phẫu thuật. Qua nghiên cứu và thực nghiệm, các nhà khoa học thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự đã chỉ ra rằng, phương pháp chụp X-quang lồng ngực thẳng giúp sàng lọc và phát hiện sớm các biểu hiện bệnh của ung thư phổi có thể kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Siêu âm tìm ung thư tại Bệnh viện K T.Ư. Ảnh: Diệu Linh |
TS Ngô Hữu Phúc - Học viện Kỹ thuật quân sự chia sẻ, khi thực hiện chụp X-quang lồng ngực thẳng đúng quy cách, tư thế sẽ cho hình ảnh vùng tổn thương. Từ các kết quả trên phim chụp có thể đưa ra giải pháp phân loại dấu hiệu bất thường hỗ trợ chẩn đoán sớm dấu hiệu ung thư thông qua ảnh X-quang lồng ngực.
Phim chụp X-quang sẽ chỉ ra các tổn thương phổi, sau đó, dựa trên nghi ngờ, các bác sĩ sẽ cho làm thêm các xét nghiệm để kết luận chính xác xem bệnh nhân có mắc bệnh ung thư phổi hay không. Những tiên lượng sớm từ một tổn thương nhỏ, sẽ giúp bệnh nhân sớm được điều trị đúng bệnh.
TS Phúc cũng cho biết, nếu tìm các dấu hiệu ung thư phổi bằng chụp Citi thì rất tốn kém, trong khi chụp X-Quang chỉ mất chưa đến 100.000 đồng/lần chụp. Nhờ đó, sẽ có nhiều bệnh nhân có đủ tiền để thực hiện chiếu chụp, mà không tiếc tiền không dám đi khám.
Theo TS Phúc, qua nghiên cứu và thực nghiệm tại Đại học Y Thái Bình, tỷ lệ phát hiện ung thư sớm nhờ phương pháp chiếu chụp X-quang lồng ngực thẳng đã cho kết quả khá cao. Thời gian tới, TS Phúc và các cộng sự sẽ hoàn thiện thêm để đưa phương pháp này ứng dụng rộng rãi. Đây cũng là bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra những sản phẩm, công nghệ tiên tiến phù hợp với thực tế trang thiết bị y tế và nhu cầu khám chữa bệnh ngày một gia tăng ở nước ta.
Niềm vui cho ung thư vòm họng
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạcn Mai) cũng đã đưa vào ứng dụng biện pháp phát hiện ung thư vòm mũi, họng sớm bằng phương pháp chụp PET/CT. Theo TS Lê Chính Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, ung thư vòm mũi họng có nhiều triệu chứng giống các bệnh khác nên dễ bị chẩn đoán nhầm như viêm họng, viêm mũi, mắt thần kinh…
Chính vì vậy, khi bệnh nhân mới có các dấu hiệu đau tai, ù tai, khạc máu mũi hoặc có hạch ở cổ, đi khám khắp nơi nhưng đều bị chẩn đóan sang bệnh khác. Điều trị mãi không khỏi, đến khi ung thư khoang miệng có các triệu chứng loét, sùi trong miệng, hạch cổ to… thì mới các bác sĩ mới chẩn đóan ung thư. Lúc này, ung thư lan rộng, di căn hạch cổ, xâm lấn nền, hoặc muộn hơn là di căn đến các cơ quan khác như phổi, xương, gan… Lúc đó, mọi điều trị có thể đã quá muộn.
Chụp PET/CT đã giúp ích rất nhiều trong việc chẩn đóan, phát hiện tổn thương ung thư nguyên phát một cách chính xác, hiệu quả mà các xét nghiệm như CT, MRI… Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu đã dùng PET/CT để phát hiện ung thư sớm cho hơn 600 bệnh nhân, trong đó có 30 bệnh nhân ung thư vòm mũi, họng. Nhờ phát hiện sớm, điều trị sớm, đa số bệnh tật của các bệnh nhân này đã được đẩy lùi đáng kể.
TS Lê Chính Đại đánh giá, sự phối hợp hóa chất, xạ trị điều biến liều, các máy móc công nghệ hiện đại như chụp X-quang, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, PET/CT... hỗ trợ phát hiện sớm và điều trị ung thư mang lại kết quả khả quan. Việc điều trị ung thư vùng đầu mặt cổ như ung thư vòm mũi, họng và ung thư khoang miệng nhìn chung là có tiên lượng tốt, nếu được phát hiện sớm bằng công nghệ chẩn đoán PET/CT.
“Vũ khí” chống ung thư vú
Ung thư vú cũng là một loại ung thư thường gặp ở Việt Nam. Tại Hà Nội cứ 100.000 người có 30 người mắc bệnh ung thư vú, còn ở TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ này là 20/100.000 phụ nữ. Theo PGS-TS Vũ Bá Quyết – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản T.Ư, từ năm 2011, Bệnh viện đã đưa vào ứng dụng phương pháp chẩn đóan hình ảnh tiên tiến mới để phát hiện sớm ung thư vú và chẩn đóan trước sinh (CHT). Phương pháp này có tỷ lệ phát hiện thương tổn vú sớm và chính xác, vượt hơn hẳn chụp Xquang và siêu âm.
Riêng các trường hợp ung thư ống tuyến vú có thể phát hiện sớm hơn chụp Xquang đến 40%. Ngoài ra, chụp CHT còn giúp các thai phụ tìm ra những bất thường của thai nhi mà phương pháp siêu âm không hiển thị được như bất thường ở não, cột sống, xơ gan, gội chứng hẹp van niệu đạo sau, loạn sản xương.
Ngòai ra, tại Việt Nam cũng đã ứng dụng nhiều phương pháp khác để việc phát hiển, chẩn đoán ung thư được sớm và chính xác khác. Chẩn đoán nội soi đóng vai trò quan trọng trong chẩn đóan ung thư dạ dày, đại tràng, K phế quản, bàng quang, K họng thanh quản, thực quản. Chụp X-quang thông thường cũng chẩn đoán được nhiều bệnh K như phổi, vú, phế quản, di căn xương…
Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) là một phương pháp mới, hiện đại với kỹ thuật điện quang được hoàn thiện. Scanner cho phép nghiên cứu toàn bộ cơ thể và phát hiện được những khối u nhỏ, khoảng 1 cm đường kính ở sâu như u não, u trung thất, u tụy, u sau phúc mạc, u khung chậu. Tuy nhiên, giá thành chụp CT khá cao. Chẩn đoán siêu âm cũng là phương pháp kinh điển để phát hiện ung thư.
Ngòai ra, còn có các phương pháp Chẩn đoán đồng vị phóng xạ, Chụp cộng hưởng từ trường hạt nhân (MRI), Chẩn đoán sinh học, Chẩn đoán tế bào học, Chẩn đoán tổ chức học… đều góp phần chẩn đóan sớm và chính xác bệnh ung thư.
Tuy nhiên, theo Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Nga - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện K T.Ư, việc phát hiện ung thư sớm vẫn tùy thuộc vào bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân nhận thấy cơ thể có nhiều biến đổi, có u, hạch, nhưng thấy chưa đau lắm hoặc kinh tế còn khó khăn nên lần nữa không đi khám. Đến lúc bệnh nặng, đau đớn, nổi hạch to, bụng chướng mới đến viện thì thường đã muộn.
Tuấn Kiệt