Dân Việt

Đầu tư xây dựng nông thôn mới: Cần tăng tín dụng cho nông thôn

06/04/2013 09:01 GMT+7
(Dân Việt) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào sức dân là chính. Song do điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc huy động sức dân gặp rất nhiều hạn chế.

Vì thế giải pháp quan trọng để đẩy nhanh xây dựng NTM là cần phải tăng tín dụng cho khu vực nông thôn.

Chỉ biết "bóp mồm, bóp miệng"

Một nghiên cứu của bà Lê Nguyệt Minh, đến từ Tổ chức Oxfam tại Việt Nam từ hơn 1.300 người dân, gần 300 cán bộ tại 22 xã của 11 huyện thuộc 4 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình, Long An cho thấy: Hiện nông dân sản xuất nhỏ lẻ vẫn phải tự chịu chi phí và rủi ro để hoàn thành mục tiêu sản xuất.

img
Xã Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) xây dựng NTM nhưng vẫn giữ được những cổng làng cổ.

Nghiên cứu cũng đưa ra con số thống kê, cứ 10 người có tới 7 người bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Thiên tai đã gây thiệt hại cho người nông dân khoảng 7 tỷ USD mỗi năm. "Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi khổ riêng, nay giá tăng chỉ biết giảm chi tiêu bằng cách bóp mồm, bóp miệng"- bà Minh nói.

Trong khi đó, nghiên cứu của ông Andy McKay và Finn Tarp, thuộc Tổ chức CIEM và Đại học Conpenhagen (Đan Mạch) với tiêu đề: "Biến động phúc lợi ở nông thôn Việt Nam, 2006 - 2012" thì cho thấy, 50% thu nhập của các hộ nông dân ở Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Đăk Lăk, Lâm Đồng từ hoạt động nông nghiệp nên thu nhập của họ rất thấp và chịu tác động lớn khi kinh tế gặp khó khăn, giá cả "leo thang".

Tăng tín dụng cho nông thôn

"Thực tế đã chứng minh, nông nghiệp, nông thôn trong suốt 3 năm nay luôn là giải pháp cho cả nền kinh tế nên cần tăng đầu tư. Không thể coi nông nghiệp, nông thôn là nơi "trú ẩn" khi nền kinh tế gặp khó khăn".

Theo bà Lê Nguyệt Minh, hiện Việt Nam có 3,5 triệu trẻ em suy dinh dưỡng và 2,5 triệu hộ nghèo, cùng 1,5 triệu hộ cận nghèo. Dự kiến đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 129 triệu người cần được nuôi dưỡng đủ chất, khỏe mạnh theo cách bền vững. Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, hiện nay việc đầu tư vào nông thôn đang có sự chênh lệch giữa các vùng đồng bằng, trung du và miền núi.

Nguyên nhân chênh lệch bởi các chỉ số liên quan đến mức độ thương mại hóa (gần đô thị lớn, doanh nghiệp phát triển, việc làm phi nông nghiệp, khả năng huy động vốn…) ở vùng đồng bằng luôn cao hơn, còn ở miền núi thì ngược lại. Để cân bằng việc phát triển, đầu tư vào nông thôn, theo bà Nhàn: "Cần nâng cao chất lượng dịch vụ công và chính sách hỗ trợ nông thôn trong việc thu hút doanh nghiệp và tạo việc làm tại chỗ. Đồng thời dãn phát triển công nghiệp về vùng nông thôn, nhất là vùng miền núi".

Qua những nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn, Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp đưa ra các giải pháp định hướng phát triển nông thôn trong năm 2013 cụ thể là: Tăng tín dụng cho doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là khu vực tư nhân; xử lý vấn đề đất đai (đất nông nghiệp bị quy hoạch treo, khai khoáng, thuỷ điện nhỏ, nông lâm trường quốc doanh); tăng đầu tư công, đổi mới cơ chế quản lý và thủ tục đầu tư cho chương trình NTM…