Nguyễn Thu Thủy (ảnh) - tác giả tiểu thuyết cũng đồng thời là người biên kịch, chuyển thể bộ phim này. Phóng viên NTNN đã trò chuyện với chị.
Duyên do từ đâu mà tiểu thuyết “Gái già xì tin” lại được chuyển thể thành bộ phim cùng tên? - Khi “Gái già xì tin” được Công ty Bách Việt phát hành, có rất nhiều nhà sản xuất muốn mua bản quyền để chuyển thể kịch bản, nhưng vì nghề nghiệp của tôi là biên kịch, nên tôi quyết định tự chuyển thể luôn. Đạo diễn Trần Quang Vinh là người đầu tiên muốn làm bộ phim này và liên hệ với tôi.
Tôi có một nguyên tắc là nếu có nhiều lựa chọn, sẽ ưu tiên người đầu tiên liên hệ với mình. Hơn nữa, anh Vinh rất yêu mến câu chuyện và nhân vật này. Trong buổi gặp đầu tiên, anh nói đọc truyện anh cảm nhận một cô gái với tâm hồn “trong veo veo” và một cuộc sống cũng “trong veo veo” vậy. Vì thế tôi nhận lời chuyển thể kịch bản cho anh. Cùng cộng tác với tôi trong dự án này còn có biên kịch Khánh Hà.
Các khán giả của phim “Gái già xì tin” rất tò mò muốn biết, chị lấy nguyên mẫu cô Dương- nữ phóng viên quá lứa lỡ thì nhưng hết sức “xì tin” đó từ đâu?Cảnh trong phim “Gái già xì tin” đang phát sóng trên VTV6.
- Từ truyện đến phim, chúng tôi hầu như vẫn giữ nguyên cốt truyện ban đầu về hành trình kiếm tìm hạnh phúc của cô gái tên Dương- phóng viên ở lứa tuổi 28, có phần quá lứa nhỡ thì khi bạn bè đã yên bề gia thất cả rồi. Nhưng cô gái ấy không vì áp lực mà đánh mất bản tính lạc quan, sôi nổi, thậm chí là "xì tin" của mình. Câu chuyện này tôi viết cũng đúng năm 28 tuổi và bản thân cũng đang sống cuộc sống của một… gái già. Vì lẽ đó, nhân vật có một chút hình ảnh của tôi và nhiều bạn bè "đồng cảnh ngộ" của tôi trong đó.
Khi phim được phát sóng, phản hồi của người xem đến chị thế nào?- Một điều làm tôi cảm thấy khá bất ngờ là phim nhận được rất nhiều bạn quan tâm, và trong đó có sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng những cô "gái già". Phản hồi về phim đến nay cũng khá đa chiều, người đọc truyện rồi thì đa phần không thích lắm, vì họ nói không giống hình dung, nhưng người chưa đọc truyện khi xem lại khá hứng thú. Họ nói phim trẻ trung sôi động, lời thoại rất chân thật gần gũi.
Bản thân tôi từng chuyển thể truyện của người khác thành phim, cũng từng "cảnh báo" các tác giả là từ truyện lên phim sẽ là một cái gì đó rất khác, thậm chí cảm giác… vỡ mộng là thường xuyên. Vì truyện là sự tưởng tượng, còn phim là sự cụ thể hóa tưởng tượng đó. Mỗi người đọc tưởng tượng một cách khác nhau, cho nên rất ít khi một bộ phim có thể đáp ứng sự tưởng tượng tất cả các bạn đọc.
Là người chuyển thể kịch bản, chị có cảm thấy tiếc điều gì chưa chuyển được từ truyện thành phim?
Nguyễn Thu Thủy sinh năm 1983, tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, hiện là biên tập viên tại Trung tâm sản xuất Phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam. Cô từng tham gia biên kịch các bộ phim: Âm tính, Lập trình cho trái tim, Thiên sứ lông bông, Túm cổ đại gia, Lời thú tội của một Eva, Làm bố thật tuyệt, Chạm vào quá khứ, Cocktail cho tình yêu, Gái già xì tin...
|
- Tiếc thì chắc là không, vì khi quyết định chuyển thể, thì tôi đã xác định rằng có những thứ không thể như truyện rồi, điều kiện sản xuất phim truyền hình Việt Nam tôi cũng tương đối hiểu.
Tất nhiên, có những điều tôi cũng còn đôi chút băn khoăn, chỉ là những chuyện rất nhỏ thôi. Ví như là chuyện nữ chính hơi bị... xinh quá khiến việc cô ấy trở thành gái già trở nên hơi vô lý, việc anh "sơ mi đen" có thêm bộ ria nhìn có chút không phù hợp, trang phục diễn viên cũng chưa thực sự như ý.
Nhưng tôi biết, đạo diễn và đoàn làm phim đã làm với tinh thần trách nhiệm và họ thực sự yêu mến câu chuyện này.
Tác phẩm “Mắt híp và môi cuốn lô” mà chị vừa cho ra mắt bạn đọc có đi theo phong cách của “Gái già xì tin”, một phong cách hài hước, dí dỏm mà chị đã từng được rất ủng hộ hay không?
- Tôi rất vui vì “Gái già xì tin” - cuốn sách đầu tay đã được đón nhận, và dành được nhiều thiện cảm từ bạn đọc. Rất nhiều người cũng nói, họ yêu tinh thần lạc quan và sinh động của nhân vật, của câu chuyện, và mong muốn tôi giữ lại tinh thần, phong cách đó trong những tác phẩm tiếp theo.
Tuy nhiên, “Gái già xì tin” là tiểu thuyết, còn “Mắt híp và môi cuốn lô”, tác phẩm vừa “ra lò” của tôi lại là một tập truyện, bao gồm 3 truyện ngắn và 3 truyện vừa. Thể loại khác nhau, dung lượng khác nhau, đối tượng độc giả cũng tương đối khác nhau, và tất nhiên những câu chuyện kể cũng khác nhau nữa...
Mà mỗi câu chuyện lại tự nó lựa chọn một hình thức thể hiện phù hợp cho riêng mình. Nhưng, sự “tí tởn”, “toe toét”, một phần bản tính của con người tôi thì vẫn luôn hiện hữu, trong mọi câu chuyện.
Cho nên, không chỉ “Mắt híp và môi cuốn lô”, mà có lẽ trong những tác phẩm sau này, tôi cũng sẽ giữ tinh thần đó, bản sắc đó, có điều với một dung lượng vừa phải để phù hợp với từng câu chuyện mà tôi muốn kể.
Xin cảm ơn chị!