Sức mạnh phi thường
Bà Trần Thị Láng (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) có 8 anh chị em thì cả 8 người có chiều cao dị thường. Bà Láng là chị hai, cao 2m; em kế bà Láng, ông Lâm Văn Khén cao 1,98 m; kế đến ông Trịnh Anh "cao nhất nhà", nhưng yểu mệnh; tiếp theo là ông Nguyễn Văn Trịnh, cao 2,17 m; đến ông Nguyễn Văn Khuôl cũng là một người "khổng lồ"…
Ông Lâm Văn Khén, người nổi tiếng với sức mạnh dị thường, giờ sống bệnh tật và cô đơn trong căn chòi rách. |
Bà Láng nói, thời trẻ các chị em của bà đều rất khỏe, làm việc gấp ba, bốn người bình thường. Nổi tiếng nhất là ông Lâm Văn Khén. Thời trẻ, ông Khén được khắp vùng biết đến như một người có sức mạnh dị thường. Làm công trên một tàu đánh cá ở Nhà Mát (TP Bạc Liêu), ông Khén được nhiều chủ tàu giành thuê vì "không ai khỏe bằng". Khi tàu vào bờ, ông Khén phụ trách khâu vác dầu. Mỗi lần như thế, phải có 4 ngư phủ khác mới nhấc nổi phuy chứa đầy 220 lít dầu đưa lên vai để ông Khén vác xuống tàu.
Đi vác lúa mướn, trong khi mỗi người vác 1 bao (2 giạ) từ đồng vào nhà thì ông Khén lại vác mỗi lần 3 bao lúa ướt. Có lần có người thách đố, ông Khén còn gánh 10 giạ lúa (khoảng 200 - 220 kg) đi một mạch 3 km đường ruộng gập gềnh, chà gạo xong lại gánh trở về.
Sau lần đánh cược đó, ông Khén nổi tiếng khắp nơi. Thế nhưng, một hôm ông bỗng dưng "mất tích". Là ông Tư Thạch thấy chàng trai tư chất hiền lành, lại khỏe mạnh phi thường nên đã mộ vào đội ngũ kháng chiến. Ông Khén được biên chế vào C Quyết Thắng, Tiểu đoàn 2 (Tỉnh đội Bạc Liêu), với nhiệm vụ rất "sở trường" là tải vũ khí nặng. Đến khi hòa bình, ông Khén xin ra quân. Ông được giữ lại lái tàu cho quân đội một thời gian rồi nghỉ hẳn, trở về đi biển làm thuê kiếm sống.
Nghèo đói và bệnh tật
Ông Khén nhớ lại, do chiều cao và thể lực sung mãn nên ông nhiều lần được gọi đi chơi bóng rổ, bóng chuyền. Nhưng ông đều từ chối vì bận làm mướn nuôi gia đình.
Ông Nguyễn Văn Trịnh (cao 2,17 m) và vợ sống nghèo khó trong nhà tình thương trên nền đất của một người tốt bụng cho mượn. |
Cho đến 5 năm trước, vợ ông bị bệnh qua đời. Trong ngày tang vợ, ông Khén đạp phải mảnh vỡ của bóng đèn neon. Không tiền thuốc thang, ông phải ngồi một chỗ cho đến khi kinh tế lẫn sức khỏe bị kiệt quệ như ngày nay. Hiện ông Khén đang sống với người con út trong căn chòi rách nát. Người con út cũng có sức khỏe tốt, nhưng đầu óc ít tính toán, lại nuôi người cha bệnh nằm một chỗ nên cuộc sống mãi thiếu trước hụt sau.
Nhà bà Láng cũng chẳng khá gì hơn. Bà và 4 người con "khổng lồ" của mình đều mang trong người nhiều chứng bệnh. Bà Láng bị các bệnh tiểu đường, tim mạch, thần kinh, xương khớp hành hạ luân phiên cho đến bây giờ đi lại rất khó khăn. Ánh Hồng (cao 1,92 m) bị bệnh tim mạch, xương khớp hành hạ, nhưng cũng phải nén bệnh để ra biển mò cua bắt ốc. Hai người con trai "khỏe nhất nhà" là Lê Văn Lắm và Lê Văn Lem cũng mang trong mình hết bướu đến mổ ruột thừa, dạ dày. Cô gái út Lê Thị Tám cũng bệnh xương khớp và tim mạch…
Em kế ông Khén là ông Nguyễn Văn Trịnh (cao 2,17 m) có vợ, đang sống trong nhà tình thương trên mảnh đất của một người tốt bụng cho mượn tại ấp Giồng Tra, xã Vĩnh Hậu.
Các cán bộ xã Vĩnh Hậu nói rằng gia đình bà Láng rất chí thú. Các con bà Láng mỗi ngày chân trần, đội nắng lội khắp nơi kiếm việc làm. Ai thuê gì họ cũng làm. Từ đào đất, kéo cộ, dắt trâu, khuân vác… họ làm "thừa nhiệt tình" hơn người khác.
Ai thuê gì họ đều làm tới nơi tới chốn. Nhưng khổ nỗi ở xứ nghèo này, người thuê thì ít, người làm thuê thì nhiều. Còn bản thân họ, ngoài việc mò cua bắt ốc và lao động chân tay, chẳng biết làm gì khác.
Bệnh tật, lại trong cuộc sống ít suy nghĩ đã đẩy gia đình với dáng ngoài khác thường vào cuộc sống lầm lũi, nghèo đói và bệnh tật.