Dân Việt

Sáng bắn súng, chiều chăm con

07/04/2010 11:04 GMT+7
NTNN - So với các môn thể thao khác, bắn súng nổi tiếng có nhiều cặp uyên ương nhất trong làng thể thao Việt Nam.
img
Gia đình xạ thủ Phạm Thị Hà.

Chỉ có sự cộng hưởng của tình bạn, tình đồng đội, tình yêu mới có thể giúp họ duy trì ngọn lửa hạnh phúc, bất chấp những khó khăn vật chất thường xuyên hiển hiện trong mỗi gia đình...

Nỗi lo tiền… mua sữa

Đến giờ nhiều người vẫn nhớ ngày Đàm Thị Nga "mở hàng" cho bắn súng Việt Nam tại SEA Games 2005 với tấm HCV 10m súng trường hơi nữ sau 16 năm chờ đợi. Trở về từ Philippines, Nga kết hôn với người đồng đội Dương Anh Quân và giờ trong tổ ấm của họ đã có 1 bé gái, 1 bé trai dễ thương.

"Ưu tiên lắm Ban huấn luyện mới cho mình sáng đi, chiều về chăm con nhỏ. Quãng đường đi lại từ nhà chồng ở Minh Khai lên Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Nội ước tính khoảng 30km, tất cả những vất vả trong tập luyện đều tan biến hết khi được trông thấy nụ cười của con" - Nga tâm sự khi vừa bước ra khỏi trường bắn sáng qua (6-4).

Cùng ở đội súng trường với Nga, xạ thủ Nguyễn Thị Hoà (Hải Dương) còn vất vả hơn khi vừa tập luyện, vừa chăm con nhỏ: "Ở quê mỗi người một việc, chồng mình lại đi công tác xa nên phải đưa cháu lên đội tuyển theo mẹ. Hàng ngày gửi cháu cho một gia đình trông hộ, chiều tập xong lại đón con về" - Hoà bộc bạch.

Tiền công tập luyện của VĐV vốn đã ít ỏi (khoảng 1,8 triệu đồng/tháng), chỉ đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu của bản thân. Vì vậy lời giải cho khoản chi phí nuôi con nhỏ cỡ khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng (tiền cho đi nhà trẻ, tiền sữa…) đủ để làm đau đầu nữ xạ thu.

Đó là chưa kể đến việc khi bé bị ốm phải đưa đi bệnh viện: "Con trai mình bị viêm phế quản nên hay phải đi viện lắm. Mỗi đợt ốm cũng mất 2-3 triệu đồng như chơi" - Hoà kể.

Con ốm vẫn phải… liều

Nếu như hầu hết các đồng đội đều sinh bé trai đầu lòng, thì nữ xạ thủ Thẩm Thuý Hồng - người từng đóng góp nhiều huy chương SEA Games cho bắn súng VN, lại sinh con gái đầu lòng: "Bé ngoan lắm nên tôi mới yên tâm đi tập đấy chứ. Mới tập lại được 2 tuần đã bước vào thi đấu Cúp và đang cố gắng giành huy chương làm quà tặng con gái yêu đây" - Hồng lạc quan nói.

Ngoài thời gian tập luyện, các xạ thủ cũng phải tự học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi con từ bạn bè, những người đi trước, tìm hiểu qua sách báo, Internet". Đôi khi họ cũng phải vào vai "bác sĩ bất đắc dĩ".

Hồi đầu mới lên Nhổn ở cùng bố mẹ, bé Thái Dương cũng thi thoảng bị ho, sổ mũi do thay đổi thời tiết. Vậy là cặp tuyển thủ súng ngắn Tuấn Hải-Phạm Thị Hà thử dùng quất hấp với một chút mật ong cho bé uống, hiệu quả tức thì.

Tương tự như vậy, khi con trai của Đàm Thị Nga-Dương Anh Quân bị dị ứng da, bố mẹ học được bài lá thuốc và chỉ 2-3 ngày sau là bé khỏi. "Cũng hơi ngại khi tự chữa cho con, nhưng nếu bé cứ viêm họng, sổ mũi lại đưa đi viện thì tiền đâu ra? Vậy nên đôi khi cũng phải liêu" - cặp vợ chồng xạ thủ cùng có chung ý kiến.

Nhưng bài toán kinh tế chỉ là một vấn đề. Cái khó đối với các nữ xạ thủ đôi khi nằm ngoài sức tưởng tượng.

Cách đây hơn 1 tháng, con trai của Hoà đang chập chững tập đi, nghịch làm đổ nước sôi bị bỏng chân. Trời cũng đã khuya, xung quanh mọi người đã đi nghỉ hết, không biết nhờ ai. Taxi gọi mãi cũng không thấy chiếc nào lên Nhổn giờ đó.

Vậy là Hoà đành phải nhờ đồng đội giúp bé ngâm chân trong nước lạnh, thức trắng đêm làm đủ trò để bé quên đau, chịu ngủ đợi đến sáng mới có thể đi bệnh viện.