Cụ thể, sẽ thực hiện hai dự án “làm đẹp” Hồ Gươm gồm: Dự án chỉnh trang kè hồ, hè phố, vườn hoa, tiểu cảnh, đường dạo xung quanh hồ với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng; Cải tạo tăng cường hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng trang trí xung quanh hồ với tổng kinh phí trên 46 tỷ đồng. Theo kế hoạch cả 2 dự án này phải hoàn thành trước ngày 30-6.
Xung quanh các dự án này, ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Bộ Xây dựng) nêu ý kiến: Hồ Gươm là điểm nhấn của Hà Nội, việc chỉnh trang cảnh quan, môi trường khu vực hồ là việc cần thiết.
Tuy nhiên, việc chỉnh trang phải được xem xét, cân nhắc trong một tổng thể chung, đảm bảo phục vụ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, theo lộ trình đã được tính toán, cân nhắc. Không thể chỉ để phục vụ một thời điểm mà chi tiêu quá tốn kém, làm xong rồi sang năm lại tiếp tục đổ tiền làm lại công trình đó. Nguyên tắc đầu tư là phải tiết kiệm và hiệu quả.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng VN cho hay: Không phải cứ bỏ tiền chỉnh trang sẽ đem lại hiệu quả. Nhìn khu phố cổ bị sơn, quét vôi lại mà xem, hiệu quả chẳng thấy đâu mà ngược lại có phần “thừa giấy vẽ voi”.
Đối với các dự cải chỉnh trang hồ Gươm cũng vậy. Cái gì cần chỉnh trang, cải tạo thì làm, không nhất thiết cứ đập bỏ, xây mới đã là hiệu quả. Hơn 100 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ.
Ông Vũ Minh Mão - Chủ tịch Hiệp hội Chiếu sáng đô thị cho rằng: Các hạng mục chiếu sáng quanh hồ Gươm đúng là cần phải nâng cấp phục vụ cho đại lễ 1.000 năm. Tuy nhiên, cần phải khảo sát cụ thể, hạng mục nào cần thay thế mới đầu tư làm mới, những hạng mục nào có thể tiếp tục sử dụng và sử dụng lâu dài thì nên giữ lại chỉnh trang, tránh lãng phí.