Dân Việt

Sản xuất điêu đứng vì cắt điện

12/04/2010 09:23 GMT+7
NTNN - Sản xuất của nhiều tỉnh miền Trung đang gặp khó khăn khi ngành điện thực hiện đợt cắt điện sớm và kéo dài chưa từng có.
img
Mỗi tháng, xưởng cơ khí, gò hàn của anh Hồ Minh Quốc ở thôn Phước Lân, xã Phú Mỹ (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) thiệt hại hơn chục triệu đồng vì bị cắt điện. Ảnh chụp sáng 11-4.

Thiệt hại nặng nề

Những ngày này, việc sản xuất tại cơ sở cơ khí, gò hàn của anh Hồ Minh Quốc ở thôn Phước Lân, xã Phú Mỹ (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) rơi vào tình trạng đình trệ vì bị cắt điện liên tục. Hầu như ngày nào cơ sở của anh Quốc cũng bị cắt điện nên cả thầy và thợ thường xuyên phải đóng xưởng.

“Đây là thời điểm gần mùa gặt, người dân mua và sửa chữa máy móc rất nhiều, không có điện nên công việc dậm chân tại chỗ. Theo đà này, mỗi tháng đi toi hơn chục triệu, không còn tiền để tái đầu tư” - anh Quốc bức xúc.

Cũng như cơ sở của anh Quốc, việc cắt điện đã và đang khiến gần 30 cơ sở sản xuất khác của người dân xã Phú Mỹ thiệt hại nặng.

Theo Phòng Công Thương huyện Phú Vang, hiện toàn huyện có 1.200 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, với gần 3.000 lao động. Đây là các cơ sở mộc dân dụng, cơ khí gò hàn, xay xát, may mặc, đóng tàu, sản xuất nước đá… nên khi bị cắt điện sẽ chịu tổn thất lớn.

“Một hộ sản xuất nước đá nếu phải sử dụng máy nổ thay điện thì chi phí sẽ gấp 7-10 lần, nên dễ bị phá sản”- ông Nguyễn Hoài Trường - chuyên viên Phòng Công Thương huyện Phú Vang khẳng định.

Tại Quảng Trị, ngoài các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tê liệt, hoạt động chống hạn cho lúa, cà phê và các loại rau màu khác cũng như chăn nuôi trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Võ Định ở thôn Mai Sơn, xã Ba Lòng, huyện ĐaKrông cho biết: “Mặc dù chưa vào mùa nắng nóng cao điểm nhưng do kênh mương hư hỏng nên ruộng trong xã đã khô nứt nẻ. Bị cắt điện liên tục nên việc chống hạn cho lúa xem như ngừng trệ.

Tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, việc cắt điện sớm và kéo dài cũng đang gây ra những hậu quả tương tự.

Đến lũ mới hết cắt điện

img Ngoài ưu tiên cho các cơ quan nhà nước và các khu công nghiệp, công ty lớn, việc cắt giảm điện cần phải ưu tiên cho sản xuất của người dân nói chung, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Chỉ ưu tiên cho các công ty, doanh nghiệp lớn mà không ưu tiên cho sản xuất của người dân thì dân lấy gì mà ăn. img

Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị

Việc cắt giảm điện sớm và kéo dài tại các tỉnh miền Trung được thực hiện khi Tổng Công ty Điện lực miền Trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tiết kiệm điện trước khả năng thiếu điện vào các tháng mùa khô.

Tại Thừa Thiên - Huế, từ 3-4, điện lực tỉnh đã tiến hành cắt giảm công suất từ 20-30MW với sản lượng điện giảm từ 200.000-300.000kWh. Điện lực tỉnh cắt điện 8 giờ mỗi ngày và chia thành hai phiên từ 6 giờ - 14 giờ và từ 14 giờ - 22 giờ.

Việc cắt giảm điện sẽ kéo dài đến giữa tháng 6-2010 nên đây là đợt cắt giảm điện sớm và dài chưa từng có từ trước đến nay.

Theo ông Nguyễn Duy Đức- Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Thừa Thiên- Huế, việc cắt điện đối với các cơ sở trên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân, nhưng đó là việc bất khả kháng. Bởi lẽ, điện lực tỉnh thực hiện cắt giảm điện luân phiên theo khu vực hoặc trạm biến áp, cơ sở, doanh nghiệp nào muốn ưu tiên cũng chịu.

Tại Quảng Trị, việc cắt giảm điện luân phiên cũng được thực hiện từ 6-4. Theo ông Phạm Sỹ Hùng - Giám đốc Điện lực tỉnh, mỗi ngày điện lực tỉnh cắt giảm sản lượng khoảng 30.000kWh, và chỉ khi đến mùa lũ tiểu mãn, khoảng tháng 8 mới hết cắt điện.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Điện lực Quảng Nam cho biết, đây là thời điểm nắng nóng, người dân lại rất cần điện để sản xuất, kinh doanh việc cắt điện tạo ra sự căng thẳng lớn.

“Nhưng điện lực tỉnh chỉ thực hiện ưu tiên cho sản xuất ở các khu công nghiệp tập trung và những cơ sở đã được tỉnh phê duyệt, còn những cơ sở nhỏ lẻ muốn ưu tiên cũng không thể”- ông Vinh cho biết.