Tình trạng “học trong màn đêm” đã diễn ra từ nhiều tháng nay ở Trường THPT Mê Linh. |
Muốn có điện phải đi học thật sớm
Chiều 9-4, chúng tôi có mặt tại Trường THPT Mê Linh. Theo quan sát, chỉ có 2 trong số 6 khu nhà (trong đó có một khu Ban giám hiệu) là sáng điện. 4 khu nhà còn lại, chỉ khi đến gần mới biết trong phòng học sinh vẫn đang học, vì hầu hết các lớp đều trong tình trạng… không nhìn rõ mặt người.
Trên tầng 2 của khu nhà đối diện Ban giám hiệu, dù trống báo hiệu ra chơi song nhiều lớp vẫn tiếp tục học. Em Nguyễn Văn N, học sinh lớp 10 cho biết: “Lớp em tranh thủ học cả giờ ra chơi để được về sớm, vì tầm 4 giờ 30 là trong lớp không còn nhìn thấy gì nữa”.
Còn em Trần Thị Thu T, học sinh lớp 11 cho hay: “Trước đây, tất cả 6 bóng điện trong lớp đều sáng nhưng hơi yếu. Từ khi nhà trường thay bóng mới thì các bóng hầu như không lên điện. Chỉ những hôm chúng em đến sớm khoảng một tiếng để bật điện thì mới sáng được 3-4 bóng” (trong khi mỗi phòng học có 12 bóng – PV). Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhà trường xác nhận: Việc điện yếu, lớp học không đủ ánh sáng là có thật.
“Quên” cải tạo nguồn dẫn điện
Qua tìm hiểu, được biết, từ vài năm nay, hệ thống chiếu sáng ở Trường THPT Mê Linh đã xuống cấp, ánh sáng không đảm bảo tiêu chuẩn y tế học đường do Sở Y tế quy định. Ngày 26-10-2009, Trường THPT Mê Linh thực hiện dự án cải tạo hệ thống chiếu sáng với tổng kinh phí 228 triệu đồng.
Đến ngày 10-11, dự án hoàn thành với việc thay mới toàn bộ bóng điện chiếu sáng ở các lớp, đưa tổng số bóng điện từ 6 lên 12 bóng/phòng học. Dự án này đã làm nức lòng toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Tuy nhiên, niềm vui của thầy và trò đã tắt ngấm khi hầu hết các bóng đều không lên điện. Nguyên nhân được chỉ ra là trong khi thực hiện dự án, chủ đầu tư (Trường THPT Mê Linh) đã “bỏ quên” khâu cải tạo nguồn dây dẫn điện, dẫn đến tình trạng quá tải.
Trần Xuân Hữu - Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Chúng tôi đã làm báo cáo lên Sở GD-ĐT. Song, đây là vấn đề chung của tất cả các trường ở Hà Nội chứ không riêng gì trường tôi. Sở đang có kế hoạch xây dựng tại mỗi trường một trạm biến áp. Để làm được điều này cần có thời gian chứ không thể ngày một ngày hai”.
“Đã có những giải pháp tình thế được đưa ra, như: cho lớp buổi chiều vào học sớm 30 phút, tranh thủ học giờ ra chơi để tận dụng ánh sáng tự nhiên, học sinh hạn chế nhìn lên bảng mà tập trung nghe giảng rồi ghi chép vào vở… song những biện pháp này vẫn gây tâm lý căng thẳng cho học sinh” – một giáo viên nhận xét.
Đến khi nào hệ thống chiếu sáng có giá trị trên 200 triệu đồng mới phát huy hiệu quả? Câu trả lời xin dành cho lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội và ban giám hiệu Trường THPT Mê Linh.
Hải Bình