Thau và mẹ đẻ. |
Từ những thông tin ít ỏi còn đọng lại trong trí nhớ chậm chạp của cô bé 8 tuổi, anh Đạc đã đưa Thau về đoàn tụ với gia đình.
Thông tin mong manh
Sau 21 năm ở với gia đình anh Đặng Xuân Đạc, bỗng dưng Đặng Thị Thau nằng nặc đòi bố nuôi đưa đi tìm lại bố mẹ đẻ. Những năm nuôi Thau, nhiều lần anh Đạc cũng muốn tìm bố mẹ đẻ cho con nhưng rồi vì giới hạn thời gian, kinh tế nên anh chưa thực hiện được ý định.
Anh Đạc tâm sự: "Ngoài khó khăn về kinh phí thì những thông tin mà Thau nhớ được cũng rất mong manh. Hỏi thì Thau chỉ nhớ bố tên là Miêu, mẹ tên là Bới, chị tên là Mơ, chú tên là Mong và bản thân tên là Mộng. Ngoài ra Thau cũng nhớ mang máng hình như quê ở Nam Hà. Nhưng Nam Hà rộng thế, giờ lại tách thành 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định thì biết tìm đâu bây giờ. Nhiều người trong họ cũng phản đối vì cho rằng việc đó không khác gì mò kim đáy biển".
Thấy Thau nhiều lần sắp xếp quần áo vào ba lô và giục bố đưa đi tìm bố mẹ đẻ, chị Vàng vì sợ con lại lén bỏ nhà đi nên bảo chồng cứ đưa Thau xuống Hà Nam. Nếu không thấy thì hai bố con lại về, và Thau cũng được thoải mái tinh thần.
Gom góp tất cả tiền bạc trong nhà được 2 triệu đồng, chị Vàng bán cả mấy tạ thóc, vay mượn thêm họ hàng để hai bố con có một khoản kinh phí đủ cho cuộc hành trình.
Nhớ lại chuyện cũ, anh Đạc rưng rưng: "Trên chuyến xe khách đường dài đi Phủ Lý, khi nghe bố con tôi kể chuyện, rất nhiều người cảm thương đã cho chúng tôi thêm tiền để có thể đi đến tận cùng cuộc hành trình. Những lúc như thế mới thấy, trong xã hội còn rất nhiều những tấm lòng nhân ái".
Phép màu cuộc sống
Bà Lê Thị Bởi
Tới Hà Nam, xuống xe, hai bố con lóng ngóng bởi không biết đi đâu, về đâu. Anh Đạc kể, khi ấy hỏi gì Thau cũng lắc đầu im lặng. Thôi thì tìm ở chỗ gần rồi tới chỗ xa. Hai bố con cứ lếch thếch dắt nhau đi khắp làng này, xã khác.
Thế nhưng, ở tất cả các nơi ấy chẳng ai nhận ra Thau và Thau cũng chẳng nhận ra ai là người thân quen của mình. Sau cả chục ngày lang bạt, hai bố con đành dắt díu nhau về trong sự thất vọng tràn trề.
Anh Đạc bảo, không tìm thấy người thân thích cho con anh cũng thấy trong lòng bứt rứt. Vì vậy, mới về nhà được ít ngày anh lại vay thêm tiền để bố con tiếp tục hành trình. Vẫn như lần trước, hai bố con lại long rong kiếm tìm, gặp ai hỏi nấy.
Trong lúc mải miết kiếm tìm ấy, đã có người “hiến” cho hai bố con một sáng kiến tuyệt vời. Anh Đạc bảo, nếu không có sáng kiến ấy thì có lẽ đến giờ anh cũng chẳng thể tìm được người thân cho con.
Theo sự mách nước ấy, anh dắt con vào UBMTTQ tỉnh Hà Nam nhờ tìm giúp. Và tại đây, các cán bộ mặt trận bảo, với những thông tin mà Thau còn nhớ thì sang Công an tỉnh nhờ, thế nào họ cũng tìm ra. Mừng như vớ được vàng, hai bố con lập tức sang Công an tỉnh.
Xúc động trước câu chuyện thấm đẫm tình người của anh, các cán bộ phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Hà Nam đã hướng dẫn bố con anh kê khai các thông tin cần thiết.
Chỉ sau 2 giờ đồng hồ tìm kiếm, các cán bộ phòng Hồ sơ đã tìm ra tờ khai Chứng minh thư nhân dân số 161153611 mang tên Lê Thị Bới, chồng là Đỗ Đình Miêu, trú tại thôn Trị Xuân, xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng, nay là tổ 14 phường Lê Hồng Phong, TX. Phủ Lý, Hà Nam.
Khi bên công an gọi điện ra Công an phường Lê Hồng Phong kiểm tra thông tin thì một người nhà của bà Bới đang công tác tại đây đã xác nhận thông tin cháu Mộng mất tích cách đây 21 năm là có thật.
Anh Đạc kể lại: Sau khi nhận được tin mừng từ các đồng chí công an, một lúc sau, các cậu, các dì của Thau lần lượt kéo đến. Sau vài lời hỏi thăm, họ đều khẳng định đây chính là người cháu ruột Đỗ Thị Mộng của họ bị mất tích năm xưa. Khi Thau về đến gia đình của mình, mẹ đẻ của Thau khóc ngất đi khi được ôm vào lòng đứa con gái khuyết tật đã thất lạc 21 năm trước".
Nghẹn ngào trong nước mắt, bà Bới cho biết bà sinh được 2 người con gái đặt tên là Mơ và Mộng. Năm lên 8 tuổi, trong một chuyến theo bố đi ra Phả Lại (Quảng Ninh), Mộng bị lạc ở đâu không biết. Sau nhiều năm không nhận được tin tức gì của cháu, người mẹ khốn khổ này nghĩ rằng con gái mình đã bị kẻ xấu bắt bán sang Trung Quốc.
Ở với mẹ đẻ được 13 ngày, nhớ các em, nhớ ngôi nhà thân thuộc ở Phù Yên, Thau lại gọi điện thoại bảo bố đón về. Giờ đây, Thau vẫn đi về hai quê, sống giữa tình yêu thương của hai gia đình để bù lại những thiệt thòi mà cô đã phải chịu suốt một phần năm thế kỷ.
Nguyễn Thắng