Mô hình rồng nghệ thuật dài 400m được dựng nhân dịp Festival tại TP. Mỹ Tho. |
Đến chiều 18-4, các khâu tổ chức của Festival đã cơ bản hoàn tất.
Những mong ước với trái cây Việt
Hơn ai hết, các nhà vườn Tiền Giang và các tỉnh lân cận chuyên sản xuất trái cây là những người háo hức nhất đón chờ sự kiện này. Ngoài việc đem trái cây đặc sản trưng bày tại lễ hội, nhiều nhà vườn còn chăm sóc vườn cây chu đáo để phục vụ du khách đến tham quan, thưởng thức dịp Festival.
Ông Trần Thanh Sơn ở phường 3, TP.Mỹ Tho hồ hởi: “Người dân chúng tôi rất tự hào khi tỉnh có điều kiện trình bày, giới thiệu những loại trái cây ngon nhất của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đây là cơ hội cho trái cây Việt Nam được giới thiệu rộng rãi hơn đến người dân trong nước và khắp các châu lục. Đấy cũng là động lực cho những nông dân trồng cây ăn trái như tôi”.
Bà Lê Thị Nguyệt - người trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) tươi cười: “Nói thiệt là tui rất vui vì đã có công sản xuất ra quả thanh long nổi tiếng gần xa. Đem thanh long về dự Festival này, hy vọng là nhiều người sẽ được thưởng thức và biết đến loại trái này. Còn mong ước lớn hơn của nhà vườn chúng tôi là trái cây Việt Nam ta đánh bại được các loại trái cây nhập khẩu, có vậy nông dân mới sống khỏe hơn”.
Theo ông Trần Thế Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ĐBSCL là “vựa trái cây” của Việt Nam và Tiền Giang là tỉnh đứng đầu cả vùng, với trên 69.000ha cây ăn trái. Trong số đó, trên 93% diện tích đã là vườn chuyên canh, nông dân được hướng dẫn tổ chức thực hiện sản xuất theo quy trình GAP (Good Agricutural Practice - thực hành nông nghiệp sạch) tạo ra nhiều sản phẩm trái cây có chất lượng cao và độ an toàn được đảm bảo nên cơ hội xuất khẩu rất lớn”.
Chung tay lo đầu ra
TS. Trần Thế Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trưởng Ban chỉ đạo Festival
Vấn đề của trái cây Việt Nam đã và đang được các nhà khoa học, nông dân nói nhiều là chất lượng chưa cao và không đồng đều, thiếu chiến lược tiếp thị... nên bị trái cây ngoại “chèn ép”.
Nhắc lại thực tế này, TS. Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nói: “Trái cây Việt Nam tuy đa dạng về chủng loại, số lượng lớn nhưng chất lượng - nhất là các tiêu chuẩn vì an toàn, sạch bệnh chưa cao nên rất khó cạnh tranh với hàng ngoại”.
Từ thực tế đó, tại Festival lần này, Viện Cây ăn quả miền Nam sẽ tổ chức 3 hội thảo lớn về tìm hướng phát triển cho trái cây Việt Nam. Các chuyên gia hàng đầu về trái cây của nhiều nước bạn, các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp và các nhà vườn ở các tỉnh khu vực ĐBSCL sẽ cùng ngồi lại để chia sẻ, hiến kế nâng cao chất lượng trái cây thương phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang phân tích: “Sở dĩ trái cây của ta “thua trên sân nhà” là do nhà vườn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chưa áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại như Viet GAP Global GAP...
Một yêu cầu bức thiết là chúng ta phải quy hoạch lại vùng sản xuất trái cây tập trung, đất nào cây nấy, xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, củng cố hoạt động các HTX sản xuất và kinh doanh trái cây; đồng thời vận động nhà vườn nhân rộng mô hình sản xuất Global GAP...
Du khách nước ngoài thích thú với trái cây Việt Nam. |
Đã có nhiều điểm sáng...
Thực tế, những năm qua tỉnh Tiền Giang đã áp dụng chương trình hỗ trợ và phát triển toàn diện 4 loại cây ăn trái đặc sản có kết hợp với du lịch sinh thái, gồm: vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sơ ri Gò Công, xoài cát Hòa Lộc vùng Hòa Hưng và khóm vùng Tân Phước.
Kết quả thuyết phục nhất phải kể đến cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) đã chính thức được công nhận Global GAP. HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim hiện có trên 50ha theo tiêu chuẩn Global GAP, sản lượng 400 tấn/năm. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, HTX đã xuất gần 10 tấn trái vú sữa sang Anh, Canada.
Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Ngàn cho biết: Nguồn cung không đủ cho các đơn đặt hàng nên Ban chủ nhiệm đang vận động xã viên trồng thêm 50ha nữa.
Cùng với vú sữa Lò Rèn, sơ ri, dưa hấu (Gò Công), cam sành, bưởi lông Cổ Cò (Cái Bè), sầu riêng (Cai Lậy), khóm (Tân Phước), thanh long (Chợ Gạo)... cũng đã và đang tạo dựng danh tiếng không chỉ trong nước.
Đặc biệt, trái xoài cát Hòa Lộc - một trong 7 loại trái cây đặc sản của Tiền Giang, sản phẩm trái cây đầu tiên trong vùng ĐBSCL được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã tìm được “chỗ đứng” trên thị trường quốc tế.
Mới đây, đã có thêm 4 tấn trái thương phẩm của HTX Xoài cát Hòa Lộc ở xã Hòa Hưng (Cái Bè) được đóng gói lên đường sang Nhật Bản. Trong 3 tháng đầu năm nay HTX xoài cát Hoà Lộc đã xuất 60 tấn sang thị trường Nhật và đang tiếp tục thực hiện hợp đồng cung ứng 100 tấn cho đối tác.
Trường Duy - Cửu Long