Dân Việt

Thanh gỗ chống... dầm 60 tấn

20/04/2010 10:35 GMT+7
(Dân Việt) - Ông Đỗ Quang Minh - Giám đốc dự án cầu cạn Pháp Vân cho biết, sự cố sập dầm cầu cạn trưa 18-4 đã được cảnh báo với Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, nhưng không được sửa ngay.
img
Thanh dầm nặng khoảng 60 tấn chỉ được chống bằng những thanh gỗ nhỏ.

Hiện nay việc xác định nguyên nhân được tiến hành thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã mời Hội đồng Nghiệm thu nhà nước về chất lượng công trình xây dựng xuống kiểm tra để tìm nguyên nhân. Theo nhận định ban đầu, khả năng là do dầm dọc đã được đặt lên quá lâu nhưng không thi công ngay các dầm ngang để kết nối, cố định dầm dọc. Trong khi dầm dọc được thiết kế chủ yếu để chịu lực thẳng đứng từ trên xuống. Nếu dầm này bị ngã, nằm ngang sẽ bị gãy ngay.

Có nghĩa dầm dọc bị nằm ngang, gãy rồi rơi xuống?

- Theo phán đoán ban đầu, có thể chiếc dầm phía trong ngã ra rồi đập vào 3 thanh dầm ở ngoài theo hiệu ứng Domino.

Theo quy định, sau khi lắp dầm dọc bao nhiêu lâu thì phải làm dầm ngang?

- Đáng ra, ngay sau khi lắp dầm dọc xong thì phải làm dầm ngang ngay. Nếu không làm đồng thời thì một vài ngày sau cũng phải làm ngay chứ không thể để lâu được. Trong khi đó, dầm dọc được gác lên từ tháng 12-2009 nhưng đến nay vẫn chưa làm dầm ngang. Cũng thi công tương tự nhưng khi chưa làm các dầm ngang, nhà thầu Sumi Nhật Bản đã hàn các thanh sắt của dầm ngang với nhau nên cũng tránh được sự cố.

Công an vào cuộc điều tra

- Chiều 19-4, ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT) cho biết, Cục đang tập hợp thông tin từ hiện trường, Ban QLDA Thăng Long và đơn vị thi công để làm văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Sáng 19-4, lực lượng nghiệp vụ thuộc Phòng PC15 (Công an TP. Hà Nội) kết hợp cùng Công an quận Hoàng Mai đã có mặt tại hiện trường vụ sập cầu cạn Pháp Vân để tiến hành khám nghiệm, điều tra nguyên nhân sự cố. Một lãnh đạo Phòng PC15 cho biết theo chỉ đạo của Giám đốc Công an TP. Hà Nội, nếu phát hiện phạm pháp hình sự, cơ quan công an sẽ tiến hành khởi tố vụ án.

Tổng Công ty Thăng Long (đơn vị thi công) cho rằng họ đã làm các thanh chống bằng gỗ để tránh việc dầm bị nghiêng?

- Đấy cũng là một giải pháp nhưng nếu để lâu các thanh gỗ bị co ngót, mục sẽ không an toàn. Thậm chí các thanh chống không chống đúng nơi có điểm tựa sẽ không có hiệu quả.

Những vấn đề này Ban quản lý dự án đã từng nhắc nhở nhà thầu chưa?

- Chúng tôi đã nhắc, thậm chí gọi điện cho Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long Phan Quốc Hiếu. Họ nhìn nhận ra vấn đề nhưng đã không tiến hành sửa ngay.

Vậy trách nhiệm khắc phục sự cố này thuộc về ai?

- Đơn vị thi công mà cụ thể là Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long phải chịu trách nhiệm. Họ phải làm bù 4 dầm ngay lập tức. Kể cả việc dầm đã được nghiệm thu, nhà thầu vẫn phải làm lại.

Nhiều người cho rằng có hiện tượng rút vật liệu các thanh dầm. Theo ông, có khả năng này không?

- Qua khảo sát sơ bộ thấy không có hiện tượng rút cốt thép. Tuy nhiên, chúng tôi đã cấp hồ sơ thiết kế cho công an để kiểm tra.

Thiết kế có sai sót gì không thưa ông?

- Thiết kế là do một đối tác của Nhật Bản thực hiện nên theo tôi không có vấn đề gì cả.

Sau sự cố này chất lượng toàn công trình có ảnh hưởng?

- Theo cá nhân tôi là không có ảnh hưởng gì, ngay cả với 2 trụ gánh các thanh dầm có sự cố. Sau khi hoàn thành, việc đi lại đảm bảo an toàn như thiết kế.

Sự cố có làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình đặt ra vào dịp 1000 năm Thăng Long?

- Nếu hiện trường được thu dọn nhanh thì tiến độ vẫn đảm bảo.