Một bãi tràm vừa bị đốn hạ, tập kết ngay trong Khu vườn bảo tồn. |
Chống cháy bằng... chặt phá rừng
Theo tài liệu chúng tôi có được, từ năm 2004 đến 2007, Ban giám đốc Khu Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã bắt tay với nhiều nhà thầu mua bán cừ tràm trong và ngoài tỉnh Hậu Giang, ký 14 hợp đồng khai thác tràm ngay trong khu bảo vệ nghiêm ngặt, với các chiêu bài “tỉa thưa chống cháy” hoặc “làm đường băng cản lửa”…
Trong đó có cả “phương án” trình lên UBND tỉnh và được cấp thẩm quyền phê duyệt. Qua xác minh của chúng tôi, chỉ 4 hợp đồng có giá cả cụ thể và hợp pháp, còn lại đều vi phạm pháp luật (không đơn giá mua bán hoặc đơn giá tự tính, không thông qua Sở Tài chính, không biên bản nghiệm thu, nghiệm thu không có chữ ký, không biên bản thanh lý… - PV).
Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang.
Điều đáng nói là trong các phi vụ nói trên, thay vì thuê người vào đốn tỉa thưa cây yếu, bị sâu bệnh, ngã đổ như đề xuất ban đầu…, Ban giám đốc lại cho “chủ trương” để các chủ thầu được vào rừng trực tiếp chọn cây khai thác (!).
Do đó, thay vì tỉa thưa theo thiết kế, họ lại bắt tay với một số cán bộ cấp Tiểu khu (quản lý trực tiếp – PV) để tiến hành đốn hạ cây to, cây thẳng, cây có giá trị kinh tế cao. Thậm chí, ở hầu hết các khoảnh rừng mà chúng tôi đã lội vào tận nơi để điều tra, số cây bị đốn hạ lấy ra vượt cả số cây còn lại đang sống, khiến những cánh rừng trở nên trơ trụi.
Chỉ trong khoảng 141ha rừng bị xà xẻo đã có hơn 68.400 cây bị lấy ra (vượt thiết kế tỉa thưa cho phép). Còn theo ước tính sơ bộ của Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, số cây lấy ra vượt và sai thiết kế cho phép là hơn 71.700 cây, trên tổng số 28 khoảnh rừng được kiểm tra.
Gỗ rẻ như bèo
Ban giám đốc Khu Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng còn trình lên Sở NN&PTNT rồi UBND tỉnh Hậu Giang chủ trương “khai thác cây ngoại lai - trồng cây bản địa”, với ngụ ý để rừng không bị “lai tạp”.
Nhưng thực chất khi triển khai, các nhà thầu này thẳng tay khai thác trắng 71ha, gồm các loại cây: bạch đàn, tràm bông vàng, keo tai tượng, xà cừ… có tuổi trên dưới 10 năm và đều có giá trị kinh tế cao.
Tất cả số cây này cũng được bán cho một số nhà thầu “quen biết thân tình” với Ban giám đốc và đều không qua thủ tục báo giá, mời đấu thầu như quy định. Từ đó, mức thỏa thuận hai bên đưa ra thấp… kỷ lục!
Ví dụ, một cây tràm bông vàng 10 năm tuổi giá thị trường tại thời điểm 2007 khoảng 100.000 đồng, được Ban giám đốc bán cho nhà thầu từ 2.000 – 5.000 đồng/cây. Cây được bán giá cao nhất, theo điều tra của chúng tôi, cũng chỉ ở mức 24.000 đồng... Chênh lệch này tạo ra “siêu lợi nhuận” cho cả nhà thầu và “người có quyền lợi liên quan”.
Bằng chứng là ngay sau khi cưa cây thành từng đoạn, nhà thầu bán lại cho người dân địa phương với giá… 45.000 đồng/đoạn dài 2m. Ngoài ra, với lý do “bức bách về công tác phòng cháy”, Ban giám đốc đã tự ý cho khai thác hơn 34ha tràm, loại trên 10 năm tuổi, mà không được cấp thẩm quyền nào phê duyệt.
Những vụ việc trên đều đã được người dân và các cán bộ Khu Khu bảo tồn thiên nhiên phát hiện, tố cáo. Thanh tra Sở NN&PTNT vào cuộc và con số thất thoát được đưa ra là… 91 triệu đồng(!).
Trong khi đó, theo tính toán của những cán bộ am hiểu và gắn bó với rừng nhiều năm, con số thất thoát và “tư lợi” từ những phi vụ nói trên phải hơn 30 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nói: “Giá cả thì Sở Tài chính tính toán, mấy anh em thanh tra về báo cáo số lượng như vậy thì mình căn cứ vào đó mà xử lý”.
Tuy nhiên ông này cũng thừa nhận, thực tế không thể đếm nổi từng cây bị chặt phá trong rừng trong thời gian nhiều năm như vậy (!).
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên điều tra