Những dòng chữ như thế này vẫn được viết công khai khi mà dịch tai xanh đang hoành hành. |
Xác lợn bệnh vứt khắp nơi
Thạch Lỗi là xã đầu tiên trong số 11 xã của huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) có dịch tai xanh ở lợn. Đến ngày 25 - 4, sau 16 ngày xuất hiện dịch bệnh, toàn xã đã phải tiêu hủy trên 200 con lợn bệnh. Điều đáng nói ở đây là các hộ chăn nuôi đã không tuân thủ nghiêm quy trình tiêu huỷ mà lại đem vứt xác và phủ tạng lợn chết ra các ao, hồ, kênh mương, làm ô nhiễm môi trường.
Trưa 25-4 có mặt ở gia đình anh Vũ Ngọc Trung, thôn Thạch Lỗi, chúng tôi cảm nhận được nỗi khổ của các hộ nuôi lợn. Anh Trung cho biết: “Nhà có hơn 100 con lợn, đến thời điểm này đã chết gần hết. Trong chuồng hiện chỉ còn 10 con cũng đang chờ chết. Gia đình đang cố gắng chạy chữa nhưng e khó cứu được.
Ngay đầu thôn Thạch Lỗi, chúng tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc trong gió. Chị Nguyễn Ngọc Lam, người dân Thạch Lỗi cho hay: “Mấy ngày trước xác lợn chết xuất hiện khắp nơi, từ ao, hồ, kênh mương đến ruộng vườn. Đây là số lợn không được tiền hỗ trợ vì không tiêm phòng dịch.
Ông Trịnh Ngọc Điện - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lỗi ngao ngán: “Xã đã huy động lực lượng an ninh thường trực tuần tra, phát hiện và thu gom xác, phủ tạng lợn chết đem đi tiêu hủy. Quá mệt mỏi với việc này, nhiều an ninh viên đã làm đơn xin nghỉ việc, nên xã rất khó khăn trong việc điều động lực lượng thu gom xác, phủ tạng lợn để tiêu hủy”.
Còn ở thôn Mòi, xã Vĩnh Tuy (huyện Bình Giang), cách thôn Me Trai, xã Vĩnh Hồng cùng huyện, nơi vừa bùng phát dịch tiêu chảy cấp (mà nguyên nhân ban đầu được xác định là ăn phải thịt lợn có phẩy khuẩn tả), nhiều người trong thôn vẫn chưa thấy được mức độ nguy hiểm của lợn bệnh tai xanh. Họ thản nhiên vứt xác lợn ra sông, ra mương nước gần thôn, gây ôi nhiễm nguồn nước, tạo điều kiện cho phẩy khuẩn tả có cơ hội phát triển.
Theo ghi nhận của NTNN, ở ngay con mương cách cổng UBND xã Vĩnh Tuy khoảng 150m, có xác một chú lợn chết đang trong giai đoạn phân huỷ, không biết xã biết hay không?
Vô tư mua, bán lợn ốm
Hai giờ sáng 24 - 4, chúng tôi có mặt tại chợ Sặt, đầu mối lớn nhất huyện Bình Giang, nhưng các hoạt động mua bán thịt lợn đã rất tấp nập. Lợn sau khi được giết mổ tại các lò mổ tư nhân được chuyển lên chợ, tại đây lọc, xẻ... rồi bán buôn cho các đại lý.
Chị M (xin giấu tên) một nhân viên bán thịt tại chợ Sặt cho biết: “Lợn ốm đấy, các chủ nhà mổ mua với giá rẻ rồi đổ cho các sạp bán hàng trong chợ”.
Cũng theo chị M, mặc dù có dịch lợn tai xanh nhưng cửa hàng nơi chị làm thuê ngày nào cũng tiêu thụ khoảng 2 tạ thịt các loại. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, gần chục con lợn đã được xẻ nhỏ bán lại cho các đại lý nhỏ. Và cũng thời gian ấy, chúng tôi cũng không thấy bất cứ sự xuất hiện nào lực lượng thú y kiểm dịch...
Hàng quán bán thịt lợn vẫn hoạt động lén lút giữa đêm khuya, không thể biết được thịt lợn khỏe hay ốm. |
Thậm chí ngay ở chợ chúng tôi còn thấy có người còn mua hẳn đàn lợn ốm về nuôi, với hy vọng “nếu đàn lợn ốm sống qua được trận dịch này thì ăn đủ”. Và có lẽ đó là một trong những nguyên nhân làm lây lan bệnh dịch tai xanh.
Xã Thạch Lỗi có rất nhiều lối ra, vào nên rất khó kiểm soát được tình hình vận chuyển gia súc. Lực lượng kiểm tra, giám sát ít nên không ôm xuể hết việc. Một số hộ lợi dụng tình hình trên, giết mổ lợn ốm đem thịt đi tiêu thụ hoặc vứt xác lợn khắp nơi.
Trước tình trạng trên, UBND huyện Cẩm Giàng đã cho phép các xã có dịch tai xanh, nếu phát hiện người cố tình vứt xác, phủ tạng lợn ra môi trường, được xử phạt hành chính theo thẩm quyền tới mức cao nhất.