Dân Việt

Nhà báo tác nghiệp là thi hành công vụ

27/04/2010 09:46 GMT+7
(Dân Việt) - Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, hoạt động báo chí là nhiệm vụ do nhà nước uỷ quyền, do vậy, tác nghiệp của nhà báo cần được xác định là hoạt động công vụ.
img
Phóng viên Trần Thế Dũng sau khi bị hành hung.

“Thực trạng hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp” là chủ đề cuộc hội thảo do Hội Nhà báo VN tổ chức chiều 26-4. Tại đây, Luật sư Trần Đình Triển cho rằng: Hoạt động báo chí là nhiệm vụ do nhà nước uỷ quyền, do vậy, tác nghiệp của nhà báo cần được xác định là hoạt động công vụ.

Nhà báo Trần Đức Chính - Tổng Biên tập Báo điện tử congluan.vn cho hay, từ năm 2006 đến quý I/2010, cả nước xảy ra 18 vụ cản trở, hành hung nhà báo tác nghiệp, điển hình như: Vụ phóng viên Võ Minh Châu (Báo Tiền phong) bị hành hung ở Hà Tĩnh, phóng viên Cẩm Châu (Báo NTNN) bị bắt làm “con tin” ở Quảng Nam và đặc biệt nghiêm trọng là vụ phóng viên Trần Thế Dũng (Báo Người lao động) bị đánh đập dã man khi đang tác nghiệp tại Lạng Sơn…

Trong số những vụ việc trên, có tới 13 vụ hành hung nhà báo, nhưng, cơ quan chức năng chỉ khởi tố 4 vụ, 9 vụ không khởi tố. Đáng nói, các vụ khởi tố đều theo điều 104 Bộ luật Hình sự: “Cố ý gây thương tích”. “Chưa có một vụ nào khởi tố về tội “Chống người thi hành công vụ” - ông Chính nhấn mạnh.

Từ những con số nêu trên, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Ngô Huy Toàn, nêu quan điểm: “Việc vận dụng Điều 104 để xử lý các vụ hành hung nhà báo là không công bằng, làm nhụt ý chí đấu tranh chống tiêu cực của người làm báo và gây phẫn nộ trong dư luận xã hội”.

Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân cho biết: “Ngoài những vụ hành hung mà dư luận quan tâm, tại một số phiên tòa hình sự, tôi đã không ít lần chứng kiến những trường hợp nhà báo bị xúc phạm, bị đập phá, thu giữ tài liệu, phương tiện hành nghề… Những lúc như vậy, tôi thấy anh, em báo chí quá đơn độc vì không được bảo vệ!” - Luật sư Triển dẫn chứng .

Theo ông Triển, để xử lý hành vi vi phạm đối với nhà báo theo Điều 104 BLHS - tội “Cố ý gây thương tích” hay Điều 257 BLHS - tội “Chống người thi hành công vụ”, trước tiên phải làm rõ hoạt động nào là hoạt động “công vụ”.

Theo luật sư này và nhà báo Phan Lợi - Trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp luật TP.HCM tại Hà Nội, “…hoạt động báo chí là nhiệm vụ do nhà nước ủy quyền, do vậy tác nghiệp của nhà báo cần được xác định là hoạt động công vụ. Để áp dụng thống nhất, Bộ Nội vụ, LĐ-TB&XH và Tư pháp nên sớm ban hành một thông tư liên tịch quy định cụ thể về công vụ và người thi hành công vụ”.