Người dân xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội đang khốn đốn vì dịch tai xanh. |
Vào vùng dịch
Sáng 26-4, có mặt tại thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn - xã phát dịch đầu tiên và mạnh nhất ở huyện Gia Lâm. Ngay từ đầu thôn vôi rải trắng khắp các đường làng, ngõ hẻm và vào tận các hộ gia đình. Trạm kiểm dịch tạm thời đã “mọc” lên.
Gia đình chị Nguyễn Thị Củ là một trong những hộ chăn nuôi lợn đang phải gánh chịu hậu quả của dịch. Chị Củ cho hay: “Dịch đã phát trong thôn cách đây 11 ngày. Nhà nào có lợn dịch đều cơ bản giải quyết xong số lợn nuôi, chuồng trống hơ trống hoác. Nhà tôi cứ tưởng thoát, ai dè vẫn dính. Hiện 13 con lợn đến ngày xuất chuồng đang chờ chết. Mấy ngày nay, cán bộ thú y xuống tiêm liên tục nhưng tình hình không khả quan, lợn ngày càng yếu”.
Bi đát hơn hộ chị Củ là gia đình anh Nguyễn Đức Nhân ở thôn Giao Tất A, xã Kim Sơn, cả 3 chuồng đã sạch bóng lợn. Nhà anh nuôi 15 con lợn thịt, tất cả đã tiêu huỷ cách đây một tuần.
Anh Nhân tính toán: “Số lợn trên nặng từ 70kg đến 1 tạ, nên thiệt hại 40-50 triệu đồng. Năm 2007 vùng này cũng phát dịch, thời điểm đó không có hỗ trợ lợn tiêu huỷ nên nhà tôi mất trắng 20 triệu. Hiện nay chưa thấy nói gì đến hỗ trợ nên bà con đang rất hoang mang”.
Dịch lây lan qua đường vận chuyển
Về nguyên nhân dẫn đến việc dịch bệnh tai xanh bùng phát trên địa bàn 5 xã của huyện Gia Lâm, ông Lê Minh Đạt -Trạm trưởng Trạm Thú y Gia Lâm cho biết: Huyện nằm giáp ranh với tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh, trong khi cả 2 tỉnh này đều đã có dịch, việc vận chuyển lợn ở những vùng dịch vẫn diễn ra mà không có sự kiểm soát, ngăn chặn, nên đã khiến dịch lây lan, bùng phát trên địa bàn.
Đến thời điểm này, dịch bùng phát trên địa bàn xã Kim Sơn tương đối rộng, song theo ghi nhận của chúng tôi, hiện mới chỉ có thôn Giao Tất A lập chốt kiểm dịch, chống vận chuyển lợn ra vào khu vực có dịch. Còn trên cả địa bàn huyện Gia Lâm mới chỉ có duy nhất một chốt kiểm dịch tại Dốc Lã. Lo ngại là trục đường Quốc lộ 5, chạy qua địa bàn huyện lại không hề có chốt kiểm dịch.
Được biết, xã Dương Quang và Kim Sơn của huyện Gia Lâm còn có hệ thống kênh mương dẫn nước nối thông với huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Bởi vậy, theo đường nước, dịch rất dễ lây lan, phát tán sang các vùng lân cận.
Đình Thắng - Hữu Thông