Tên gọi lễ tế này chưa quen với người trong đất liền, vì nó chỉ diễn ra trên một hòn đảo. Nhưng đó là lễ tế đã có từ mấy trăm năm nay, một lễ tế tôn vinh lòng yêu nước, ý thức hy sinh quên mình vì nghĩa vụ, và khẳng định lại một điều bất di bất dịch: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam từ lâu đời.
Những dân binh đảo Lý Sơn, theo lệnh Vua Chúa nhà Nguyễn cắt cử hàng năm (gồm 70 người, chủ yếu là ngư dân phường An Vĩnh đảo Lý Sơn) sắm sửa thuyền buồm nhằm Hoàng Sa thẳng tiến. Họ thường ra đi vào tháng Hai hoặc tháng Ba (âm lịch) hàng năm.
Những chuyến hải hành thời ấy đầy hiểm nguy, trên những con thuyền nhỏ thiếu phương tiện bảo hộ, họ đã phải mang theo những chiếc chiếu sẵn sàng dành bó thây đồng đội khi bỏ mình, mang theo những cuộn dây thừng để sẵn sàng buộc chặt vào nhau khi thuyền đắm: Sống cùng sống, chết cùng chết.
Đó là những chuẩn bị của người cảm tử. Họ ra đi vì nghĩa vụ khẳng định chủ quyền quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa, vì nhiệm vụ khai thác hải sản quý hiếm và vớt đồ vật quý trong những con tàu ngoại quốc chìm đắm trên vùng biển đầy hiểm nguy này.
Và sau đó, con đường biển họ mở ra tới Hoàng Sa đã biến vùng biển này thành quen thuộc với ngư dân Lý Sơn nói riêng, ngư dân Quảng Ngãi nói chung. Vì thế, chúng ta không hề ngạc nhiên khi bất chấp hiểm nguy, ngư dân Lý Sơn hôm nay vẫn lên đường ra Hoàng Sa đánh cá.
Nhiều ngư dân Lý Sơn đã khẳng định rằng họ thuộc lòng từng rạn san hô, từng hốc đá trên những đảo nổi đảo chìm của quần đảo Hoàng Sa. Và họ biết khi nào biển lặng, khi nào có thể đánh bắt được những loại hải sản nào. Chỉ những chủ nhân thực sự của vùng biển đầy sóng to gió lớn này mới hiểu biết ngư trường mình đánh bắt hải sản thấu đáo đến thế.
Kỹ thuật điều khiển thuyền đánh cá, sự am tường “tính khí” vùng biển này đã giúp ngư dân Lý Sơn bao lần vượt qua sóng to gió lớn trên những con thuyền bé nhỏ. Vì thế, “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” hàng năm nhằm tế cúng những dân binh của “hải đội Hoàng Sa” ngày xưa đã bỏ mình vì nghĩa vụ quốc gia, và cầu mong cho những chuyến hải hành sóng yên bể lặng hôm nay là một hoạt động vừa tâm linh vừa thể hiện lòng yêu nước và khát vọng chinh phục biển cả của ngư dân Lý Sơn và ngư dân Quảng Ngãi.
Hãy dành một phút nghiêng mình trước sự hy sinh của những dân binh Lý Sơn thuở trước, và hãy thức trong ta tình yêu biển cả, tình yêu Tổ quốc từ chính lễ hội đặc biệt này.n
Thanh Thảo