Chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tiễu, bảo vệ quần đảo Trường Sa |
Sấm chớp ở Song Tử Tây
Rạng sáng 14-3, bộ đội ta từ tàu 673 tiếp cận đảo Song Tử Tây và nã những đòn “sấm chớp” khiến toàn bộ địch ở đây phải quy hàng.
Ở tuổi ngoài 70, người trực tiếp chỉ huy trận đánh ấy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Quế vẫn nhớ như in cái đêm "công đảo" ấy. “Lúc đó là 1 giờ sáng, tàu 673 tiếp cận đảo. Theo phương án tác chiến, tôi chia làm ba mũi bí mật đổ bộ lên đảo. Mũi một có trang bị hỏa lực B40, B41 và một khẩu DKZ đánh từ hướng Nam của đảo. Mũi hai đánh từ hướng Tây của đảo cũng được trang bị B40 và B41. Mũi ba gồm hai tổ đặc công đánh từ hướng đông nam của đảo. Ba giờ sáng các mũi bí mật áp sát các mục tiêu mà địch không hề hay biết. Tôi có nhiệm vụ bắn quả đạn DKZ báo hiệu cho các mũi đồng loạt tiến công”.
Dù bị đánh bất ngờ nhưng địch vẫn chống cự quyết liệt. Sau hơn 30 phút, lực lượng của ta hoàn toàn áp đảo quân địch, khi đó chúng mới chịu đầu hàng. Đúng 4 giờ 30 phút, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được hạ sĩ Lê Xuân Phát treo lên đỉnh cột cờ phía Đông của đảo.
Ông Quế kể: Trận đánh chỉ diễn ra vài giờ nhưng là cả một quá trình chuẩn bị kỹ càng, sáng tạo”. Trước khi giải phóng Song Tử Tây, ông và đồng đội chưa một lần được tập hay tham gia đánh giải phóng một căn cứ. Bình thường, đặc công nước chỉ đánh theo kiểu đặt bom phá hủy tàu địch rồi bí mật rút lui.
Lần đầu tiên ông Quế và đồng đội là những chiến sĩ đặc công nước đổ bộ lên đảo Song Tử Tây mang theo vũ khí hạng nặng, nổ súng chiến đấu trực diện tiêu diệt các mục tiêu trên đảo. Đây là cách đánh táo bạo, độc lập, tinh thần quyết tử. Bởi khi đổ bộ lên đảo, anh em hầu như không biết gì về bố phòng trên đảo.
Việc đánh địch được xác định "một mất một còn" bởi quân ta không còn đường rút lui, muốn sống sót buộc phải chiến thắng. “Và chúng tôi đã quyết tử để chiến thắng. Trong trận đánh này, có 2 đồng đội của chúng tôi hi sinh. Đổi lại chúng tôi giành lại 6 đảo trên quần đảo Trường Sa.
Đêm trăng thần tốc
Trận chiến thứ 2, quan trọng không kém trong chiến dịch giải phóng Trường Sa là trận tấn công đảo Sơn Ca. Đô đốc Đỗ Viết Cường- thời điểm đó là đội phó Đội 1 Đoàn 126 Hải quân, người chỉ huy đánh đảo, nhớ lại: “Lúc 21 giờ 30 phút ngày 21-4, tàu 641 áp sát đảo Sơn Ca, cách đảo khoảng 2 hải lý. Đó là một đêm trăng sáng, chúng tôi quyết định đổ bộ lên đảo bằng xuồng nhưng lúc này nước chảy rất xiết, xuồng không tiếp cận được đảo nên việc đổ bộ không thành”.
Đến quá nửa đêm, ông chia quân (20 người) làm ba mũi tấn công lên đảo. Mũi thứ nhất do đồng chí Nguyễn Văn Học làm mũi trưởng. Mũi thứ hai do ông trực tiếp chỉ huy. Mũi thứ ba do đồng chí Hội chỉ huy. Vì trăng sáng nên các mũi đều dễ dàng phát hiện mục tiêu, nhưng cũng dễ dàng bị địch phát hiện.
Để áp sát đảo an toàn, bí mật, ông lệnh cho anh em để xuồng cách xa đảo một đoạn, rồi bơi vào. Lần này đặc công nước của ta bám được mép đảo không mấy khó khăn. 1 giờ 30 phút, các mũi bơi đến đảo mà địch không phát hiện được.
Lên tới đảo, sau khi trinh sát, ông Cường giao nhiệm vụ cho các hướng, các mũi tấn công, phân công một người lính dùng súng B41 diệt ổ đại liên và hiệp đồng đúng 4 giờ sáng sẽ nổ súng. Hiệu lệnh nổ súng là tiếng lựu đạn của ông ném vào hầm chỉ huy.
“Khoảng hơn 2 giờ sáng, tôi tiếp cận hầm chỉ huy. Không may, một con chó phát hiện người lạ sủa ầm lên. Biết đã bị lộ, tôi quăng luôn lựu đạn vào hầm chỉ huy. Đồng chí giữ B41 cũng nhằm luôn khẩu đại liên nhả đạn. Lúc đó các cỡ súng của ta đồng loạt nổ. Bị đánh bất ngờ, địch hốt hoảng đầu hàng”- Đô đốc Cường nhớ lại.
Cùng với Sơn Ca, lực lượng đặc công nước cũng áp sát tấn công các đảo Nam Yến, Sinh Tồn. Từ ngày 21-4 tới ngày 28 - 4, tin thắng trận liên tục báo về. Quân giải phóng chiếm lĩnh các đảo này và tiếp tục hành quân tiến tới giải phóng đảo Trường Sa, đảo xa nhất ở phía Nam quần đảo. 9 giờ sáng ngày 29 - 4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Trung đoàn 126 đã hoàn thành việc đổ bộ và làm chủ đảo Trường Sa, xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.
Ngày 30-4, non sông thu về một mối, Trường Sa, Hoàng Sa cũng cùng một mái nhà Việt Nam.
Phương Anh