Xét xử một vụ buôn bán phụ nữ qua biên giới. |
Miếng bánh vẽ
Nghèo, trình độ thấp là hoàn cảnh phổ biến của những nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài được ông Trần Đình Huấn - Trưởng phòng C14, Bộ Công an thông tin tại Hội thảo tăng cường mạng lưới trong giao chuyển tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán trở về, do Trung tâm Phụ nữ phát triển phối hợp với cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha tổ chức ngày 27 và 28-4 tại Hà Nội.
Nạn nhân cư trú ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bộ đội biên phòng giải cứu chiếm đến 72%. Cụ thể trong vòng 5 năm (2004-2009), 561/780 nạn nhân là trẻ em nông thôn, miền núi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Em H.T.T ở Điện Biên là một điển hình. H.T.T sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo. Do yêu ca hát và thích đi chơi với bạn bè nên đã làm quen với bạn qua Internet. Rồi H.T.T bỏ nhà xuống Hà Nội với bạn và bị bạn chat lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm.
Các thủ đoạn lừa đảo thường thấy trong các vụ buôn bán người, theo ông Trần Đình Huấn đã nhằm vào các cô gái trẻ, ăn chơi, lười lao động.
Một hiện tượng phổ biến mà kẻ lừa đảo thường áp dụng là nhắm vào các cô gái trẻ con nhà nghèo, đưa cho một bức ảnh chụp một người đàn ông đứng trước biệt thự, ô tô sang trọng với lời hứa sang đó sẽ được làm vợ người đàn ông giàu có ấy, thế là ít nhất có đến chục cô rơi vào bẫy.
Sang Trung Quốc, nhà lầu xe hơi đâu không thấy, các cô bị đẩy vào ổ mại dâm, ép làm gái bán dâm mua vui cho khách, rất khó có ngày về.
Cần được giáo dục kỹ năng sống
Tình trạng phụ nữ, trẻ em đi khỏi nơi cư trú chưa rõ nguyên nhân diễn ra rất phức tạp, khó quản lý.
Qua khảo sát khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc phát hiện có trên 4.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt ở địa bàn, nghi bị lừa bán ra nước ngoài. Nếu may mắn được giải thoát trở về, số đối tượng này cần được tư vấn tâm lý, kỹ năng sống để tái hòa nhập cộng đồng.
Bà Lê Thị Thủy –Giám đốc “Ngôi nhà bình yên” cho hay, các nạn nhân là trẻ em, phụ nữ bị buôn bán trở về, đa số không có kỹ năng sống. Không biết sống thế nào là phải, thế nào là trái và cảm thấy lạc lõng. Ở Ngôi nhà bình yên có những chuyên gia tâm lý, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhận.
Đặng Thị T, dân tộc Dao, ở xã Long Phúc, Bảo Thắng, Lào Cai – một nạn nhân buôn người được giải cứu về đã được tạm trú, giúp đỡ ở Ngôi nhà bình yên, tâm sự: “Năm 2008 tôi bị lừa bán sang Trung Quốc, những tưởng cuộc sống thế là hết, may thay tôi được giải thoát và được học nghề, chăm sóc sức khỏe tại Ngôi nhà bình yên. Hiện nay tôi đã tự tin để tái hòa nhập cộng đồng”.
Hồng Hoa