Nông dân xã Vĩnh Phú truy cập Internet tại điểm cung cấp thông tin khoa học công nghệ. |
"Xem trên tivi, thấy nhiều mô hình nông dân làm giàu cũng khoái lắm mà không có điều kiện đi tham quan học tập. Không ngờ chiếc máy vi tính nhỏ thế mà chứa nhiều kiến thức bổ ích đến vậy"- ND Lê Thanh Giảng ở xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn, An Giang tâm sự.
Cứ cách vài ngày, ông Giảng lại đến UBND xã Vĩnh Phú để truy cập thông tin trên Internet. Cũng như ông, nhiều ND ở xã vùng sâu này khi cần tìm hiểu về kỹ thuật sản xuất, các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao, giá cả thị trường, nơi tiêu thụ sản phẩm trước khi muốn phát triển mô hình mới... họ lại đến với điểm cung cấp thông tin khoa học công nghệ.
Thu nhập cao nhờ Internet
Ông Nguyễn Văn Nhẫn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú, cho biết: Tháng 9-2009, Sở KHCN tỉnh An Giang lắp đặt bộ máy tính ở xã Vĩnh Phú, ngày nào cũng có gần chục ND đến truy cập thông tin và in ấn tài liệu. Tính đến nay, điểm cung cấp thông tin KHCN đã thu hút gần 1.000 lượt người đến truy cập.
Từ hiệu quả của mô hình này, xã đã phát triển thêm 3 điểm truy cập Internet với 50 máy vi tính. Hội ND huyện Thoại Sơn quyết định chọn Vĩnh Phú xây dựng điểm cung cấp thông tin theo mô hình của Sở KHCN.
"Ở Vĩnh Phú, thông tin được ND tìm hiểu nhiều nhất là kỹ thuật canh tác lúa theo mô hình "1 phải, 5 giảm" và mô hình trồng nấm rơm. Năm 2009, Vĩnh Phú đã phát triển được 130ha nấm rơm, đem về cho ND gần 3 tỷ đồng cho ND. Ngoài ra điểm cung cấp thông tin KHCN còn hỗ trợ cho địa phương rất nhiều khi cán bộ xã có thể lên mạng tìm kiếm các văn bản mới, cập nhật những thông tin chính xác để giải đáp thắc mắc cho người dân”- ông Nhẫn đánh giá.
Bán hàng trên mạng
Ông Nguyễn Văn Phương-Giám đốc Sở KHCN An Giang
Cùng với Vĩnh Phú, xã Tân Thạnh (thị xã Tân Châu) là địa phương được Sở KHCN tỉnh chọn ra mắt điểm cung cấp thông tin KHCN (đặt tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã).
Ông Phạm Duy Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, cho biết: “Tháng 11-2009, xã được trang bị 2 máy vi tính có kết nối Internet, máy in, máy ảnh kỹ thuật số, tủ đựng tài liệu, bàn ghế sinh hoạt… Đến nay, trên 700 lượt ND đã đến truy cập thông tin. Chúng tôi đã xử lý 235 tin hoạt động của Hội đưa lên website của xã và cung cấp 103 tin khoa học kỹ thuật cho bà con ND. Bên cạnh đó, 60 cán bộ và ND sản xuất giỏi còn được tập huấn sử dụng Internet, được chuyển giao 308 phim khoa học và trên 1.000 tài liệu kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, mô hình kinh tế hiệu quả…".
Còn ND Dương Văn Hồng (xã Tân Thạnh) thật thà: "Lúc đầu thấy cái máy vi tính cũng bỡ ngỡ lắm nhưng sử dụng được lại thấy ghiền. Nhờ có Internet mà ngồi một chỗ vẫn biết được kỹ thuật mới, giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng… Sướng nhất là có thể giao dịch, rao bán hàng hóa trên mạng luôn".
Giống như xã Vĩnh Phú, thấy được tiện ích của Internet, ND xã Tân Thạnh đã phát triển thêm 3 điểm truy cập Internet, trang bị được 50 máy vi tính…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho rằng, mô hình điểm cung cấp thông tin KHCN đã đóng góp vào 1 trong 20 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đề án của tỉnh.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, hướng đến Văn phòng điện tử, Chính phủ điện tử thì phải nâng cao kiến thức cho người dân. Điểm truy cập Internet phải đặt ở vị trí thuận lợi, tuyên truyền rộng rãi để người dân đến sử dụng. Bên cạnh đó, cần chú ý nâng cao chất lượng trang web địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết thực của ND…
Thoại Giang