Dân Việt

Hàn Quốc và một thập kỷ làm mới nông thôn

30/04/2010 08:41 GMT+7
(Dân Việt) - Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bằng phong trào "làng mới", nông thôn Hàn Quốc dần trở thành một vùng nông thôn phát triển hiện đại, giàu có bậc nhất khu vực chỉ trong một thập kỷ(1970-1980).
img
Nông thôn Hàn Quốc thật đẹp, yên bình và hiện đại.

Đầu năm 1970, một phong trào mang tên "Làng mới" đã được phát động với mục đích ban đầu là "phát triển tinh thần của nông dân", lấy kích thích vật chất nhỏ và chính sách để kích thích mạnh tinh thần và qua đó phát huy nội lực tiềm tàng to lớn của nông dân.

Để thực hiện phong trào này, mỗi làng ở Hàn Quốc đã bầu ra "Uỷ ban Phát triển Làng mới" bao gồm từ 5-10 người có nhiệm vụ vạch kế hoạch và tiến hành dự án phát triển nông thôn.

Hàn Quốc cũng xác định, yếu tố quan trọng nhất để thực hiện chương trình là tổ chức được đội ngũ lãnh đạo nông thôn mới. Mỗi làng nhân dân tự bầu ra người làm lãnh đạo cho phong trào của mình.

Từ đó, phong trào "làng mới" ở Hàn Quốc bắt đầu đi vào thực hiện. Đã có 16.000 làng được chọn để tiến hành dự án bước đầu. Chính phủ cấp cho mỗi làng 300 bao xi măng, phân phối qua các kênh hành chính địa phương, từ trung ương - tỉnh - huyện - tới làng không phân biệt quy mô và vị trí của làng, cũng không phân biệt làng giàu làng nghèo. Tổng giá trị xi măng và sắt thép tương đương với 2.000 USD/làng theo tỷ giá năm 1974.

Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Hàn Quốc cũng chú trọng vào các dự án tăng thu nhập cho nông dân. Khoảng 750.000 nông hộ ở 137 vùng đã được hỗ trợ và khuyến khích sản xuất, chế biến, kinh doanh 21 mặt hàng bao gồm: gia cầm, thịt bò, sữa bò, dâu tằm, hoa màu, cây ăn quả, cá, nấm...

Sau 30 năm thực hiện phong trào, môi trường sống và cuộc sống vật chất của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, sản xuất mang tính thương mại đã phát triển. Lao động nông thôn được đào tạo từ chương trình Saemaul khi ra thành phố kiếm việc làm đã có sẵn kỹ năng và tác phong hiện đại. Do đó, trong vòng 20 năm sau, tổng số người làm nghề nông giảm 50%.

Thời gian qua chúng tôi cũng có tham khảo và nghiên cứu khá kỹ cách làm của Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước xung quanh về xây dựng và phát triển nông thôn. Phong trào này bao gồm rất nhiều nội dung trong xây dựng NTM, trước hết là phải xây dựng cơ sở hạ tầng, coi đó như bước đột phá, căn bản.

Để thực hiện có hiệu quả quá trình hỗ trợ cho các làng, dự án NTM chú trọng đến nhân tố con người. Để khắc phục hạn chế này, dự án chú trọng vào việc phát triển đội ngũ cán bộ cấp làng, cán bộ chính quyền địa phương.