Tuyển thủ quốc gia Tài Em, người trưởng thành từ phong trào bóng đá ở nông thôn. |
Nhiều thanh thiếu niên nông thôn máu mê bóng đá, cần mẫn luyện tập trên sân ruộng hy vọng có ngày vụt sáng trên sân cỏ.
Giấc mơ Tài Em
Với người hâm mộ bóng đá Long An, "Hai Lúa" Phan Văn Tài Em đến nay vẫn là con cưng của họ. "Cày như trâu" trên sân và "hiền như cục đất" trong cuộc sống đời thường khiến Tài Em chiếm được tình cảm của người dân suốt nhiều năm qua.
Ở huyện Châu Thành (quê Tài Em), nhiều học sinh đang đá banh bằng giày vải trên sân ruộng vẫn mơ có ngày theo chân anh Cu Mười - tên gọi ở nhà của Tài Em.
Tài Em sinh năm 1982. Từ nhỏ, đôi chân của Tài Em đã gắn liền với sân ruộng ở quê nhà là xã An Lục Long, huyện Châu Thành. Không có trận đấu nào của xóm lại vắng mặt anh chàng "xấu trai không chịu nổi" nhưng đá đẹp và không biết chơi xấu.
Thời đó, cứ tan học là Tài Em quẳng cặp ở nhà rồi lao ngay ra ruộng. Nhà Tài Em sống bằng nghề nông, có chiếc xe ngựa chuyên thồ hàng cho bà con lối xóm. Tài Em là tay đánh xe cừ khôi. Mê đá banh là vậy nhưng Tài Em không bao giờ trốn việc. Nhiều lúc đang tranh bóng hùng hục, nghe có người kêu về đánh xe là Tài Em nhảy ngay lên bờ chạy về đánh xe kiếm tiền phụ cha mẹ rồi mới ra ruộng đá tiếp.
Năm 1998, Tài Em "cầm đầu" nhóm bạn mê banh học Trường THPT Nguyễn Thông thuê hẳn chiếc xe đò đi lên tỉnh xin "dự thi" vào lớp năng khiếu. Tuy nhiên, không có nơi nào tổ chức thi nên gần 50 học sinh lủi thủi lên xe về. Sau đó, nhóm này cũng vài lần tìm lãnh đạo đội bóng để xin thi nhưng không thành công. Duy nhất Tài Em là kiên trì, thêm phần may mắn là anh trai Phan Văn Giàu đang thi đấu cho Long An nên năm 2000, sau khi tốt nghiệp THPT, Tài Em được thi và lọt vào đội trẻ của tỉnh…
Tại Tiger Cup 2002, HLV trưởng đội tuyển VN lúc ấy là ông Calisto đã trở thành tấm bia hứng đạn từ dư luận. Anh chàng "Hai Lúa" mang tên Tài Em vừa xấu trai, cục mịch được chọn đá chính trong khi tiền vệ hào hoa Vũ Minh Hiếu phải dự bị khiến người hâm mộ nổi giận.
Thế nhưng, Tài Em đã cật lực lao động trên sân cỏ, góp phần quan trọng giúp tuyển Việt Nam đoạt HCĐ khiến người hâm mộ đồng loạt "quay 180 độ", dành hết tình cảm cho "Hai Lúa". Năm 2003 Tài Em cùng đồng đội đoạt HCB SEA Games 22, trở thành đội trưởng U23 VN tại SEA Games 23 và đoạt HCB…
Một trận đấu bóng tại Chương Mỹ, Hà Nội. |
Nông dân Long An mê bóng đá
Ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An cho biết, phong trào thể dục thể thao ở nông thôn, đặc biệt là môn bóng đá mấy năm gần đây phát triển rất mạnh. Ở nhiều địa bàn cấp xã đã hình thành các CLB, đội, nhóm rèn luyện thi đấu thể dục thể thao, thu hút đông đảo bà con nông dân tham gia.
Các giải bóng đá do Hội ND tổ chức mỗi năm được duy trì và mở rộng vào mùa khô và các ngày lễ lớn trong năm. Toàn tỉnh Long An hiện có đến 400 đội bóng đá - bóng chuyền. Trong số này, nhiều nông dân vừa là cầu thủ bóng đá vừa là tuyển thủ bóng chuyền.
Một số huyện có phong trào mạnh như Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Hòa có hẳn những giải đấu dành cho các đội bóng cấp ấp. Thậm chí một số địa phương ở vùng nước nổi Đồng Tháp Mười như Thủ Thừa, Mộc Hóa... Hội ND vẫn phối hợp tốt với các ban ngành để tổ chức giải đấu từ cấp xóm ấp đến cấp xã, huyện hết sức sôi nổi…
Anh Lê Khắc Vũ - cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, quê ở xã An Vĩnh Ngãi, TP. Tân An, Long An kể lại, hồi còn đi học anh là tuyển thủ bóng chuyền của trường, từng ra Hà Nội thi đấu. Tuy nhiên, "cốt" nông dân nên vẫn mê bóng đá, cứ địa phương tổ chức giải là anh chạy xe máy về để được thi đấu.
"Năm nào cũng vậy, do điều lệ của giải quy định tuyển thủ phải là nông dân nên tôi chỉ được châm chước cho đá ở đội hình cấp... ấp. Ở cấp xã, tôi chỉ được... cổ vũ chứ không được tham gia. Nhưng vậy là quá vui rồi" - anh Vũ chia sẽ.
Hiện nay, không chỉ gặt xong nông dân mới lấy mặt ruộng đá banh. Nhiều nông dân mê bóng đá đã bơm cát làm hẳn những sân bóng mi ni, dùng lưới quây xung quanh phục vụ nông dân trong xóm. Hầu như xóm nào cũng có sân bóng kiểu này.
"Nếu đông người thì tổ chức đá bóng, ít người thì căng lưới chơi bóng chuyền" - ông Năm Be, "chủ" một sân bóng ở phường 7 (TP. Tân An) cho biết. Nhiều chủ quán nhậu “phàn nàn”, từ ngày phong trào đá bóng phát triển rầm rộ ở nông thôn thì lượng thanh niên... bỏ nhậu tăng đột biến. Trước đây, xong công việc đồng áng thì thanh niên kéo vào quán nhậu rần rần. Hiện giờ, mấy sân bóng mi ni kéo thanh niên vào đây nên quán nhậu... bị "ế".
Hầu hết các sân bóng dạng này ở Long An đều không thu phí, chủ sân chỉ bán nước bình dân bù lại chi phí. "Hôm nào "vận động viên" có tiền thì uống đá chanh hoặc trà đường, còn hết tiền thì mua một ca trà đá giá 2.000 đồng uống chung, vậy cũng vui rồi"- chủ sân Năm Be nói.
Sẵn sàng cho giải đấu
Theo kế hoạch, Vòng chung kết Giải bóng đá nông dân toàn quốc 2010 Báo NTNN-Cup VFA sẽ diễn ra tại Long An. Ông Trần Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh sẽ hỗ trợ hết khả năng có thể để giải đấu thành công tốt đẹp.
Cụ thể, sân vận động chính của tỉnh và 3 sân phụ sẽ được dùng để các đội tập luyện và thi đấu. Hiện sân chính của Long An là một trong những sân vận động hoành tráng và hiện đại nhất khu vực ĐBSCL, với hơn 20.000 chỗ ngồi và dàn đèn công suất lớn để đá đêm.
Ông Phạm Minh Hùng cho biết, các đội bóng của các vùng miền khi đến thi đấu ở Long An sẽ có được cảm giác... thi đấu trên sân nhà. Ngoài lực lượng CĐV tại chỗ, Ban tổ chức còn "chơi đẹp" khi thuê hẳn dàn CĐV chuyên nghiệp (chủ yếu là sinh viên, học sinh) để cổ động cho các đội. Theo đó, mỗi đội thi đấu sẽ có ít nhất 100 CĐV với đầy đủ băng rôn, trống, cờ và đảm bảo sẽ cổ vũ hết mình.
Ngoài các sân tập, Ban tổ chức cũng đã liên hệ trước với các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP. Tân An để có được giá tốt nhất. Các chi phí về vận chuyển, ăn uống... Ban tổ chức cũng đã thỏa thuận với các cơ sở làm dịch vụ để có được chất lượng tốt nhất và giá cả thấp nhất.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An cho biết: "Chúng tôi tận dụng mọi nguồn lực tại chỗ, có thêm sự góp sức từ anh em trong cơ quan để kéo giảm chi phí tổ chức xuống mức thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo mọi điều kiện thi đấu đều tốt. Mình nông dân mà, đâu thể xài sang được".
Hữu Danh