Dân Việt

GAE giúp dân làm giàu

02/05/2010 09:06 GMT+7
(Dân Việt) - Hội Năng lượng thay thế toàn cầu (GAE) vừa làm việc với UBND tỉnh Bắc Kạn thông qua "Dự án đối tác công tư vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp".
img
Cây cọc rào cho hiệu quả kinh tế từ 17-35 triệu đồng/ha với thời vụ 4 năm.

Dự án do Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp của Liên hợp quốc (IFAD) hỗ trợ tại tỉnh này. Dự án có kinh phí 25,5 triệu USD do IFAD hỗ trợ.

Trồng gì trên đất nghèo

Đoàn đã khảo sát tình hình phát triển kinh tế và môi trường cũng như đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Ba Bể và Pắc Nậm với mục tiêu tìm cơ hội đầu tư hợp tác và hỗ trợ các hộ nông dân nghèo trồng và chế biến những loại cây có thể dùng sản xuất xăng sinh học. Ông Chima cho biết: "Nhiên liệu sinh học rất quan trọng, sản xuất nó sẽ mang cơ hội phát triển nông nghiệp và tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân nghèo".

TS. Hoàng Ngọc Đường - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Cạn cho hay hai huyện Ba Bể, Pắc Nậm có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50%. Nơi này có diện tích lớn đất đồi, đất rừng tự nhiên trong tình trạng nghèo kiệt, cần đầu tư trồng các loại cây có giá trị cao hơn.

Theo tính toán của các nhà hoạch định chính sách phát triển nông lâm nghiệp Bắc Cạn, nếu để nông dân trồng cây keo với chu kỳ 7-8 năm cho thu hoạch, họ sẽ được 70-80m3 gỗ/ha. Mỗi khối bán được khoảng 1 triệu đồng thì sau 8 năm người dân trồng rừng có khoảng 80 triệu đồng và mỗi năm có tổng doanh thu 10 triệu đồng/ha. Thu nhập này là chưa cao.

"Địa phương cũng đã đặt ra giả thiết nếu tới đây, nên chăng trên diện tích ấy trồng cây Jatropha - một cây họ thầu dầu với tên thông dụng ở Việt Nam là cây cọc rào, cây li, dầu mè có khả năng sản xuất diesel sinh học - thì hiệu quả người nông dân có thu nhập cao hơn cây keo không?" - ông Đường bày tỏ.

Cây cọc rào dễ trồng?

Theo chuyên gia của IFAD, một nghiên cứu của Viện chiến lược và chính sách về phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho thấy cây cọc rào cho hiệu quả kinh tế từ 17-35 triệu đồng/ha với thời vụ 4 năm. Tuy nhiên, nó chưa được trồng phổ biến tại Việt Nam và các dự án trồng loại cây này còn đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Nông dân Nông Văn Hanh, xã Nghiên Loan, huyện Pắc Nậm cho biết bà con dân bản gọi là cây cọc rào và thường được trồng làm rào dậu vì trâu bò và thú hoang "chê", không ăn mất như các loại cây khác. Ông Hanh cũng nói thêm, trồng cọc rào thật dễ dàng, nhân giống bằng cách chiết cành và không phải chăm bón.

Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan, huyện Pắc Nậm tâm sự: "Bà con trong xã chủ yếu là đồng bào dân tộc, mặc dù trình độ hạn chế song rất quan tâm đến sản xuất nông, lâm nghiệp để thoát nghèo, sẵn sàng học hỏi nếu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây đang có". Nhưng quan trọng nhất phải là đảm bảo tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân và đó là vai trò của doanh nghiệp.

Cần vai trò Nhà nước

Dự án trồng cọc rào và sản xuất xăng sinh học là một ví dụ cụ thể vai trò của cộng tác công tư trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Hoàng Ngọc Đường nhấn mạnh yếu tố bền vững, tính toán đầu vào, đầu ra kỹ càng.

Ông cho biết thời bao cấp trước đây có lúc đã có dự án yêu cầu nông dân trồng cây lấy dầu để sản xuất xăng máy bay nhưng khi nông dân trồng ra sản phẩm thì lại không có ai thu mua để chế biến, mà lại cây này lại không ăn được.

Do vậy nhà nước cần đưa ra các cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân sao cho các công ty tư nhân cả trong nước và ngoài nước cùng ký kết mua sản phẩm của người nông dân.

Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí nghiên cứu trồng thử ở các vùng đất có điều kiện khó khăn, thúc đẩy nhanh quá trình phân loại và giao đất rừng cho các hộ nông dân và doanh nghiệp, và hỗ trợ đào tạo để các hộ nghèo có thể phát triển sản xuất loại cây trồng mới.

"Tôi tin rằng đây là nhiệm vụ cần kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các doanh nghiệp như chúng tôi và người dân với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính ban đầu của IFAD" - ông Chima nhấn mạnh.

Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (IFAD) là một tổ chức chuyên môn về phát triển nông nghiệp nông thôn của Liên Hợp Quốc. Hiện nay trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, IFAD đang hỗ trợ về kiện toàn chính sách ở cấp trung ương cùng với các dự án thí điểm đầu tư ở 11 tỉnh để đẩy mạnh hợp tác công tư, tăng cường đầu tư tư nhân vào nông nghiệp nông thôn và tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo.