Dân Việt

Chủ Trung Quốc nuôi thủy sản gần Quân cảng Cam Ranh

31/05/2012 10:48 GMT+7
(Dân Việt) - Rất gần Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và nơi có Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, từ 10 năm nay tồn tại một “làng” nuôi cá lồng bè của những ông chủ Trung Quốc, đa phần đều hoạt động không phép.

Nuôi quy mô lớn

Người dân địa phương thì biết rất rõ sự tồn tại của những người Trung Quốc nuôi cá này. Nhưng để tìm kiếm thông tin thật rõ ràng về sự việc này từ phía chính quyền thì hơi khó.

img
Bè cá của chủ nhân Trung Quốc đã tồn tại trên vịnh Cam Ranh trên 10 năm.

Ông Trần Tính – Phó Chủ tịch UBND phường Cam Linh (nơi có nhiều lồng bè của người Trung Quốc) - chỉ nói đơn giản: Từ trước đến nay, ngư dân muốn nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh thì chiếm một vùng lập bè, không cần phải xin phép. Những người Trung Quốc cũng đã làm vậy. Việc kiểm tra xử lý không thuộc thẩm quyền của chúng tôi, có nhiều cơ quan khác quản lý họ.

Như vậy, ông Tính đã xác nhận sự tồn tại của những người Trung Quốc trong địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Cam Ranh cũng thừa nhận: “Có tình trạng người Trung Quốc nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh nhưng chưa thể cung cấp số liệu cho nhà báo”. Và theo ông Sơn, hiện chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào đăng ký sản xuất kinh doanh trên vịnh Cam Ranh.

Chúng tôi tự tìm hiểu vấn đề này bằng cách vào vai những du khách tham quan vịnh Cam Ranh, thuê ghe lên một bè nuôi cá mú của những ông chủ người Trung Quốc thuộc phường Cam Linh. Trên bè có 2 công nhân người Việt đang làm việc và 2 người Trung Quốc ngồi quan sát, một người Trung Quốc khác đang ngủ.

Trên cái bè bề thế, kiên cố này có căn nhà rộng vài chục mét vuông, chia làm 2 phòng, một dành cho chủ và một cho công nhân người Việt. Có 3 chiếc tàu lớn neo xung quanh bè, một chiếc mang số hiệu tỉnh Bình Thuận. Trước cửa phòng treo một bảng nhỏ ghi lịch xuất bán cá và một xấp “thẻ” bằng thiếc đánh dấu các ô lồng, đều ghi bằng tiếng Trung.

Một công nhân người Việt tên Huy sau khi được chủ đồng ý, dẫn chúng tôi đi tham quan. Anh này cho biết, bè có khoảng 78 ô lồng nuôi mấy chục loại cá mú khác nhau. Anh Huy đã làm ở bè này hơn 10 năm, từ khi bè mới chỉ có vài ô lồng.

Cũng theo anh Huy, ở đây mỗi năm xuất bán hàng nghìn tấn cá. Một người đàn ông Trung Quốc trạc 50 tuổi, xưng tên A Cang, khá sõi tiếng Việt, cho biết, họ mua cá mú từ khắp các tỉnh tập trung về đây trước khi xuất đi nước ngoài. Mỗi năm, A Cang chỉ về Quảng Châu 2-3 lần vào các dịp lễ tết “vì ở đây nhiều việc lắm”.

Thu lợi từ nuôi vỗ tôm, cá non

Ngư dân Cam Ranh nhiều người biết A Yoóc - ông chủ Trung Quốc đầu tiên nuôi và mua bán hải sản ở đây từ 10 năm trước. Theo bà con, A Yoóc rất sõi tiếng Việt, quen biết rộng rãi và thường xuyên nhậu với những người Việt “có máu mặt”, từ giang hồ cộm cán đến các cán bộ địa phương.

Mấy năm gần đây, A Yoóc lấy vợ người Việt và tách ra làm ăn riêng, cũng có một cái bè nuôi cá bề thế trên vịnh Cam Ranh. Hiện trên vịnh này còn có bè của những ông chủ ngoại quốc khác đến từ Hongkong và Đài Loan (Trung Quốc)... neo đậu tại vùng nước thuộc phường Cam Linh (2 bè), Cam Phúc Bắc (1 bè), vũng Bình Ba (1 bè), Hòn Quy (1 bè)... Trong đó, quy mô nhất là bè ở phường Cam Linh, nơi A Cang đang làm việc, có hẳn một tàu sắt chuyên dụng lớn tên là Việt Điện Bạch 8366 để chở cá mú sống khi xuất bán.

Sáng 30.5, UBND TP.Cam Ranh đã họp bàn và thống nhất các biện pháp xử lý tình trạng các bè nuôi trồng thủy sản, các cơ sở thu mua hải sản tại đây có sử dụng trái phép lao động Trung Quốc. Trước đó, TP.Cam Ranh tổ chức lực lượng kiểm tra các cơ sở kinh doanh và nuôi lồng bè trên vịnh Cam Ranh và đã phát hiện nhiều lao động Trung Quốc không phép tại đây.

Chủ tịch Hội Nghề cá phường Ba Ngòi - ông Hoàng Gia Anh cho biết: Những lồng bè trên biển này dùng để nuôi nhốt cá, đồng thời nuôi vỗ cá mú, tôm hùm loại II (6 – 7 lạng/con) thành cá, tôm loại I (1 – 1,2kg/con). Giá cá, tôm loại II chỉ bằng nửa giá cá loại I nhưng ngư dân khi cần tiền cũng đành bán. Những ông chủ Trung Quốc lợi dụng việc này, bỏ tiền ra mua về nuôi vỗ, chờ cá, tôm lớn lên bán hoặc xuất khẩu, thu lãi bộn.

Theo ông Trần Văn Ớt – Phó phòng Kinh tế TP. Cam Ranh: “Một trong những bè cá lớn của người Trung Quốc tại vịnh Cam Ranh là bè của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Song Phong (TP. Hồ Chí Minh). Năm 2008, chúng tôi đã xử phạt vi phạm hành chính bè của công ty này 5 triệu đồng vì không giấy phép nhưng đến nay họ vẫn chưa có giấy phép”.