Có sức là thoải mái thi
Sao Mai Điểm hẹn phát sóng vào 9.6 và Vietnam Idol lên sóng vào tháng 8, lại thêm Chương trình Giọng hát Việt (từ phiên bản “The Voice") ra mắt vào tháng 9, có thể nói VTV đang ưu tiên sóng cho các cuộc thi hát. Với tình hình này, nhiều người cho rằng giới trẻ chẳng có mối quan tâm nào khác hơn ngoài chuyện ăn rồi thì đi đăng ký thi hát.
Ban Giám khảo Vietnam Idol 2012 (3 người từ trái qua) ra mắt ngày 29.5. |
Nhìn vào giải thưởng của các cuộc thi hát có thể thấy sức hấp dẫn của tiền thưởng mỗi năm ngày một tăng lên, trong khi Sao Mai Điểm hẹn- một sân chơi thuần nội công bố mức thưởng cao nhất chỉ là 50 triệu đồng thì Giọng hát Việt tung ra một con số khủng: 500 triệu đồng cho người thắng cuộc. Nhưng kỷ lục này đã chính thức bị “đè” khi Vietnam Idol 2012 trao giải 600 triệu đồng và 1 năm "đỡ đầu" cho quán quân.
Vì Sao Mai Điểm hẹn là sản phẩm của VTV nên giải chỉ đến thế, còn Vietnam Idol thuộc bản quyền của Công ty BHD, Giọng hát Việt thuộc Công ty Cát Tiên Sa- hai đại gia về truyền thông- giải trí nên tiền nong cũng "xông xênh" hơn hẳn, đó là điều dễ hiểu.
Nếu là một bạn trẻ mới lớn, lại có chút năng khiếu ca hát, nhìn vào số tiền giải thưởng thế này, không dại gì không chọn Vietnam Idol. Thế nhưng nhà đài cũng rất khôn, các cuộc thi hát cứ tuần tự tiếp nối nhau, để "vớt" cho kỳ hết thí sinh, nên ai có nhu cầu cứ việc đăng ký tham gia lần lượt các cuộc thi, với mơ ước có thể một ngày thành "sao"...
Mà cũng phải làm thế thôi, vì bây giờ các cuộc thi thì nhan nhản, điểm mặt sơ qua đã thấy trong suốt năm 2012, khán giả truyền hình sẽ được (hay là bị) cung cấp một thực đơn giải trí như sau: Vietnam's Got Talent (chủ yếu là thi hát), Tiếng hát mãi xanh, Hợp ca tranh tài, Đồ rê mí, Ngôi nhà âm nhạc, Sao Mai Điểm hẹn, Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường, Hát với ngôi sao, Tôi là ngôi sao, Cùng nhau tỏa sáng, Cặp đôi hoàn hảo... Thí sinh tài năng đích thực thì hiếm có khó thấy, còn lại la liệt những bạn trẻ chỉ chớm chớm có khả năng ca hát tha hồ chinh chiến.
Ai là người có lợi?
Xin khẳng định ngay không phải là khán giả truyền hình. Vì họ cứ mở TV lại phải nghe các thí sinh hát véo von (mà không phải ai cũng hát hay), bị "đầu độc" bởi những chiêu trò gây scandal thu hút sự chú ý của dư luận và khách hàng quảng cáo do "tập thể" thí sinh, ban tổ chức... tạo ra, mà còn mất tiền nhắn tin bình chọn nếu bị “dụ khị”.
Có lẽ các cuộc thi hát trên truyền hình chỉ béo bở cho thí sinh và các giám khảo về bề nổi và cho các đơn vị tổ chức. Các thí sinh từ chỗ “vô danh” bỗng chốc trở thành "ngôi sao" như kiểu thầy giáo Võ Trọng Phúc ở cuộc thi Vietnam's Got Talent vừa qua. Và các giám khảo, họ suốt ngày bận rộn ngồi ghế nóng, "nóng" suốt 3 đến 6 hay 9 tháng tùy theo quy mô cuộc thi. Một số nghệ sĩ ở ta đã trở thành giám khảo chuyên nghiệp, như ca sĩ S., nhạc sĩ H, nhạc sĩ Q, đạo diễn L...
Ca sĩ Mỹ Tâm năm ngoái làm giám khảo Sao Mai Điểm hẹn, năm nay lại làm giám khảo Vietnam Idol, một cuộc đổi vai không hứa hẹn điều gì hấp dẫn. Cặp Quốc Trung- Quang Dũng cùng nhau tái xuất ở Vietnam Idol. Chỉ trông đợi một chút ở ca sĩ Tùng Dương, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và nhà báo Phan Huyền Thư ở Sao Mai Điểm hẹn, xem họ có "múa may" được gì không, còn quyết định thí sinh đi tiếp vẫn cơ bản phụ thuộc... tin nhắn của khán giả.
Giám khảo thì những gương mặt quá cũ, “nhảy” từ chương trình này sang chương trình khác, thí sinh thì cũng "được hoa mừng hoa, được nụ mừng nụ", khó có thể nói các sân chơi thi hát trên truyền hình giữ được độ hấp dẫn. Nhưng biết làm sao được, đó vẫn là những "dự án" của các đơn vị tổ chức và của nhà đài, thế nên khán giả cứ cố mà chịu thôi.
Hà Thu