Chiến lược mới sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư được coi là then chốt cho quá trình chuyển đổi thành công của VN trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình.
Cơ hội cho người nghèo
CPS phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của VN giai đoạn 2011- 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, tập trung vào cải cách cấu trúc, bền vững môi trường, bình đẳng xã hội và những vấn đề mới nổi lên trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô.
Lễ công bố Chiến lược đối tác quốc gia của WB với VN ngày 31.5. |
CPS sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư, chương trình và tư vấn trong một khuôn khổ chiến lược gồm 3 trụ cột và 3 chủ đề xuyên suốt là: Tăng cường khả năng cạnh tranh của VN trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường tính bền vững trong quá trình phát triển của VN; mở rộng điều kiện tiếp cận với các cơ hội kinh tế xã hội.
Ngoài ra, các chủ đề xuyên suốt gồm có: Tăng cường quản trị; hỗ trợ bình đẳng giới; tăng cường khả năng chịu đựng khi đối mặt với các cú sốc kinh tế từ bên ngoài, các thảm hoạ thiên nhiên và biến đổi khí hậu… Đặc biệt, trong khung CPS mới, WB chú trọng đến việc tạo cơ hội cho người nghèo ứng phó với các cú sốc về kinh tế.
Trong giai đoạn CPS mới, phân bổ dự kiến từ nguồn ưu đãi của WB, Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), để hỗ trợ VN là khoảng 4,2 tỷ USD. Đây sẽ là lượng vốn IDA được phân bổ lớn nhất cho VN từ trước đến nay, phản ánh hiệu quả hoạt động của VN cũng như việc tăng tổng thể nguồn IDA. VN cũng sẽ có thể tiếp cận nguồn IBRD (Ngân hàng Quốc tế về tái thiết và phát triển), dự kiến khoảng 770 triệu USD đến giữa năm 2014.
Giúp dân tố cáo tham nhũng
Bà Victoria Kwakwa -Giám đốc WB tại VN cho rằng, VN mới đây đã bước vào một giai đoạn phát triển mới và cao hơn. Để thành công, VN cần phải giải quyết được những thách thức còn tồn tại, gồm cả việc chuyển đổi sang cơ chế thị trường và đối phó với những vấn đề mới nảy sinh liên quan đến vị thế nước thu nhập trung bình cũng như những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Bà Kwakwa khẳng định, WB sẽ tiếp tục đồng hành cùng VN trong quá trình phát triển, tuy nhiên, như bất kỳ một nhà tài trợ nào, WB cũng rất chú trọng vào tính minh bạch và giải quyết tham nhũng. Bà Kwakwa cho rằng: Tham nhũng đối với các chương trình viện trợ là điều không thể chấp nhận và sẽ cản trở quá trình phát triển và không mang lại kết quả tốt đẹp cho VN.
WB xem xét kỹ từng trường hợp bị cáo buộc tham nhũng. Cụ thể, WB có đường dây nóng trên trang web của WB, khi khởi động bất kỳ dự án nào thì các đối tượng được hưởng lợi, cụ thể ở đây là người dân đều được biết tất cả những thông tin về dự án.
Nếu phát hiện có sai trái bất thường ở địa phương mình sống, người dân có thể tố cáo thông qua đường dây nóng này mà không nhất thiết phải để lại tên, tuổi, địa chỉ. Những tố cáo này sau đó sẽ được gửi đến bộ phận liêm chính của WB để điều tra và báo cáo với Chính phủ VN.
Đăng Thuý