Thương lái lừa nông dân là chuyện thường ngày ở huyện. Nhất là một số thương lái Trung Quốc có sừng có mỏ, nhiều mưu lắm kế ranh ma. Họ trả giá khoai lang trên trời và bỏ tiền ra mua thật. Vài vụ đầu họ yêu cầu khoai to, trả giá rất cao. Nông dân hồ hởi tìm giống khoai to, kéo dài ngày nuôi khoai to. Đùng cái, ngay vụ sau đó họ yêu cầu khoai nhỏ và chỉ khoai nhỏ mà thôi. Hết khoai nhỏ, bấy giờ họ mới mua khoai to nhưng giá chỉ còn bằng một phần mười vụ trước. Không bán thì cứ để khoai mà nuôi, càng nuôi khoai càng to, càng ế, càng lỗ. Y chang như cái lỗ của cá da trơn, của quả khóm.
Có người bảo: Thuận mua vừa bán, bị lừa do lòng tham, thấy lợi là “xung phong” ngay mà không đắn đo suy nghĩ cho kỹ. Nói như thế cũng oan cho nông dân một nắng hai sương, làm ra đồng tiền đâu có dễ dàng, không tham công tiếc việc thì lấy gì mà ăn. Đúng ra bị lừa là do cả tin. Nghe thương lái nói là tin liền. Thay vì bắt họ ký hợp đồng, ứng trước tiền hàng, tạm ứng tiền sản xuất, nói chung là phải cầm đằng chuôi chứ không cầm đằng lưỡi. Chặt chẽ thì kẻ muốn lừa cũng nản mà lui trừ phi có ai đứng đằng sau tính mưu lập kế hiểm độc hại nông dân ta, nước ta.
Nếu có lú thì đã có ông chú khôn. Nông dân chưa có kinh nghiệm làm ăn với người nước ngoài. Bộ Công Thương với bộ máy hùng hậu của mình đúng ra phải dẫn nông dân ra chợ và giúp họ đừng cho bọn “hai ngón” móc túi. Nhưng Bộ Công Thương không làm việc của mình. Họ không quan tâm đến củ khoai xuất đường tiểu ngạch. Vì củ khoai chỉ là củ khoai, hoa hồng được bao nhiêu, nhằm nhò gì.
Thương lái Trung Quốc có người lương thiện, có kẻ gian manh. Việc buôn bán giữa hai bên là chuyện bình thường. Nhưng tại sao họ sang nước mình mua khoai, mua khóm, thậm chí nuôi cá ở Vịnh Cam Ranh chiến lược mà cứ nhâng nhâng như múa gậy vườn hoang vậy? Để mỗi khi khách mua hàng “quất ngựa truy phong” mang theo lời hứa, thậm chí cả tiền nợ hàng tỷ là nhiều nông dân phá sản mà không biết kêu ai! Chỉ còn củ khoai ế chình ình ra đó.
Bao giờ cho đến tháng Mười để con kiến kiện được củ khoai?
Nguyễn Quang Thân