Hùng vĩ Mã Pì LèngĐèo Mã Phì Lèng uốn lượn trong mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang.
Mã Pì Lèng có nghĩa là Sống mũi ngựa, nối Mèo Vạc với Đồng Văn, vốn là hai xã xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang. Đèo được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20 do công nhân chủ yếu là người dân tộc H’Mông làm. Ban đầu chỉ là những con đường nhỏ cheo leo dành cho xe thồ và người đi bộ. Để đục đá mở đường, người ta phải treo mình trên dây, giữa lưng chừng đá tai mèo mà thi công trong suốt 11 tháng.
Đèo dài khoảng 20 km, chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng trùng điệp điệp. Những ngọn núi màu xám chì, hùng vĩ nối nhau đến tận chân trời. Xa xa là dòng sông Nho Quế dịu dàng vắt mình như một tấm khăn choàng mỏng manh.
Đứng từ mặt bên này thấy con đường dài phía bên như một con rắn trườn mình vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Một tấm bia lớn được dựng nơi đỉnh đèo khắc ghi những hi sinh thầm lặng của những người đã làm nên con đường Hạnh Phúc, nơi mà người ta sống chung với đá, lớn lên cùng đá và chết cũng vùi mình trong đá.
Ngày nay, đèo Mã Pì Lèng đã trở thành điểm đến yêu thích của rất nhiều kẻ thích chinh phục những vùng đất xa xôi.
Quanh co Mã PhụcNúi ấp ôm mây, mây ấp núi trên đèo Mã Phục.
Sở dĩ đèo có tên như vậy vì hai bên đường quốc lộ qua Cao Bằng có hai khối đá vôi, thành dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đèo cao 620 m, vượt qua bảy vòng dốc để đến được đỉnh, nơi có tấm biển: Trùng Khánh kính chào quý khách. Núi vôi ở Cao Bằng không cao, cảnh sắc không hùng vĩ như các đèo khác, đường đèo cũng không quá nguy hiểm.
Từ Mã Phục tỏa đến các nhánh chính của toàn tỉnh Cao Bằng. Ngay từ chân đèo rẽ trái đến với làng Tổng Cọt, nơi có cây đa già nổi tiếng và phiên chợ trâu ngày chủ nhật, làng cổ Nà Ngắn và cửa khẩu Trà Lĩnh. Vượt qua Quảng Uyên rẽ phải là đường đến cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Rẽ trái ngược lên đến với Trùng Khánh, xuyên qua những rừng cây dẻ rì rào, chạy tới thác Bản Giốc kỳ vỹ và cuối cùng là đường tới Hạ Lang, điểm kỳ cùng của tỉnh.
Con đèo rộng và đẹp. Những dãy núi thâm thấp nối tiếp nhau, phía bên này dốc trải dài những cánh đồng hoa tam giác mạch tim tím vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới. Bóng chiều đang dần buông, nắng đã ngả trên những ngọn núi nhấp nhô.
Hấp dẫn Cổ MãĐèo Cổ Mã với con đường chạy ven biển tuyệt đẹp. Ảnh: Panoramio.
Đèo Cổ Mã nằm gần núi Đại Lãnh trên quốc lộ 1A, thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Được gọi là Cổ Mã vì hình núi ở đây giống như cổ con ngựa, đi ghe từ ngoài biển vào mới trông thấy, còn nếu đi trên đèo hay đi tàu qua thì không nhìn thấy được.
Dưới chân đèo là bãi biển vắng không bóng người, một địa chỉ an toàn và đẹp cho những ai có dịp ghé qua. Nhưng vì đây là bãi tắm không nằm trong vịnh nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng và dòng thủy triều lên tạo ra vài hõm xoáy nguy hiểm.
Đèo Cổ Mã không quá dài nhưng hiểm trở trùng trùng với một bên là núi, một bên là biển mênh mông. Đã có không ít những tai nạn xảy ra vì những khúc cua ngoặt của cánh lái xe đường trường. Từ trên đèo nhìn xuống là toàn cảnh núi non trùng điệp và eo biển cong vòng của mảnh đất Khánh Hòa. Cách đó không xa là vịnh Vũng Rô nổi tiếng. Hiện đã có dự án xây hầm đường bộ thông qua đèo, cùng với tuyến đường thông qua đèo Cả.
Vượt qua Mã QuỷnhMã Quỷnh uốn lượn.
Nằm tiếp nối với đèo Mã Phục trên địa phận tỉnh Cao Bằng, đèo Mã Quỷnh hay Khuỷu tay ngựa là đoạn đèo ngắn dẫn đến Trùng Khánh. Con đường đèo quanh co, uốn cong theo sườn núi, một bên vách núi, một bên vực sâu với lác đác vài ba ngôi nhà dân sàn của bà con dân tộc Tày thấp thoáng sau những ruộng ngô và những thửa ruộng bậc thang.
Con đường xuyên núi, tít tắp không điểm dừng. Ruộng ở đây nhỏ và ít bậc. Tương tự Tây Bắc, cũng là núi đồi, nhưng ở đây nhiều núi, nhiều đồi nhỏ, nhiều cây, người dân chỉ tận dụng, cải tạo được khoảng đất rất nhỏ để trồng lúa quanh nhà.
Từ trên cao nhìn xuống, đèo Mã Quỷnh tựa hình trái tim ôm trọn núi sông Cao Bằng.