Con đường quân sự
Tái hiện cảnh bộ đội ta hành quân bằng xuồng bơi và vỏ máy trên kênh xáng Xà No trong cuộc chiến chống giặc Mỹ xâm lược. |
Song song với việc vận chuyển lúa gạo, thực dân Pháp xem kênh xáng Xà No là “con đường quân sự” đặc biệt quan trọng nối liền từ biển Tây qua sông Hậu. Bởi thế, các đồn điền của Tây, kèm theo đồn bốt đóng quân, trang bị nhiều vũ khí của Pháp.
Năm 1952 quân dân Vị Thanh – Hỏa Lựu mở màn cho những cuộc chiến bên dòng Xà No bằng trận đánh chìm một tàu mặt dựng của Pháp và diệt hơn 400 tên giặc. Đại tá Lê Hiền Tài – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hậu Giang kể lại: “Lúc đó lực lượng của ta chưa được trang bị hiện đại bằng địch nhưng đã tổ chức rất nhiều trận đánh diệt các đồn bốt, căn cứ của địch bên bờ Xà No, tạo tiền đề cho những trận thắng vang dội sau này…
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, vẫn xem đây cũng là vị trí chiến lược quan trọng nên Mỹ đã lập khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu và tỉnh Chương Thiện, cùng Chi khu quân sự Đức Long, Chi khu quân sự Một Ngàn và hàng loạt chi khu quân sự và đồn bốt ở dọc bờ kênh xáng Xà No. Họ làm việc này với ý đồ chặn đường, án ngữ lực lượng cách mạng ta từ phía U Minh (Rạch Giá) tiến về… Ngoài ra, ngay điểm đầu kênh xáng Xà No có đội thuyền hiện đại thường xuyên tuần tra dọc kênh xáng Xà No.
Tuy nhiên, với cách đánh thần tốc của quân và dân ta đã làm cho quân địch khiếp sợ. Bởi thế nên ở thời kỳ này những ai đi lính ngụy mà nghe tin mình chuyển quân về vùng 4 chiến thuật coi như “đi đứt”! Một trong những chiến công lừng lẫy ở những năm 1959-1960 làm cho phía địch sợ đến vỡ mật có thể kể là trận tập kích vào cơ quan hành chính xã Thới Lai bên bờ kênh xáng Xà No (ngày nay là phường 7, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). Trận đánh chiếm này quân ta thu được nhiều khẩu súng, một số máy móc quân trang và diệt 3 tên địch. Điều đáng nói là làm tê liệt trung tâm hành chính trong một vùng suốt một thời gian dài khiến quân địch khiếp sợ.
Cuộc đấu súng tay đôi
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn- nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ nhiều năm chiến đấu ở khu vực này cho biết, kênh xáng Xà No là vị trí xương sườn rất quan trọng nên địch xây dựng rất nhiều chi khu, đồn bốt quân sự. Ở đây không chỉ là tuyến đường thủy huyết mạch được địch cố giữ mà còn là vùng đất rất quan trọng để chúng bổ sung lực lượng và lấy lương thực phục vụ cho chiến tranh. Lực lượng quân và dân ta đã tổ chức hàng trăm trận đánh vào những vị trí quan trọng này và lập được nhiều chiến công vang dội.
Thiếu tướng Sơn kể: “Trong 40 năm chiến đấu tui không thể nào quên trận đấu súng tay đôi giữa tui và tên ác ôn trưởng phân chi khu Trầu Hôi. Lúc đó trời đã sáng, lực lượng ta đã tiêu diệt được phân chi khu Trầu Hôi nên tui tìm cách vượt kênh xáng Xà No để báo cáo tình hình với lãnh đạo. Thấy chiếc xuồng đang bơi về hướng Một Ngàn, tui cứ tưởng là người dân đang bơi xuồng nên kêu vào để đi nhờ qua bờ bên kia. Khi xuồng gần tới bờ tui mới phát hiện trên xuồng chính là tên ác ôn và ngay lập tức nó ném lựu đạn và bắn xối xả vào phía tui đang đứng. Trước tình thế này, tui nấp xuống bờ hào ven kênh và giao chiến với tên ác ôn. Sau một hồi đấu súng tay đôi quyết liệt tui đã tiêu diệt được tên ác ôn này…”.
Có thể nói, kênh xáng Xà No còn là con đường vận chuyển vũ khí, lương thực của quân ta từ vùng U Minh chi viện cho chiến trường các tỉnh lân cận lúc bấy giờ. Đại tá Lê Hiền Tài – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hậu Giang cho biết: “Đây là tuyến đường thủy rất quan trọng để vận chuyển hàng hóa, lương thực; là con đường chiến lược của cả ta và địch. Thời bấy giờ, đây là con đường lực lượng của ta ngụy trang để vận chuyển vũ khí, lương thực và cả tài liệu từ vùng U Minh lên Cần Thơ và ngược lại”. Kênh xáng Xà No đã góp công rất lớn trong chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chiến công bên dòng Xà No như một huyền thoại về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta.
Thế nhưng, do chiến tranh, dòng kênh này đã bị quên lãng nhiệm vụ rửa chua, xả phèn... Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hiền- Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết: Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dọc bờ kênh xáng Xà No ruộng đồng bỏ hoang, các công trình thủy lợi bị hư hỏng, rừng rậm, cỏ dại lan tràn trên cả mặt kênh. Cho đến năm 1975, khi hòa bình lập lại, miền Hậu Giang vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng to lớn của khu vực…
Năm 1973, Mỹ ồ ạt viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn nhằm phá hoại Hiệp định Pari, với hàng trăm tiểu đoàn, tàu chiến, máy bay, vũ khí hiện đại càn quét ở vùng giải phóng của ta ở Phụng Hiệp, Long Mỹ, Gò Quao, Hồng Dân, Phước Long (dọc kênh xáng Xà No)... Quân và dân ta đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch ở dọc kênh này.
Kỳ cuối: Lúa thơm bên bờ
Hoàng Mai