HLV Nguyễn Thành Vinh |
Theo ông, việc HLV Calisto chỉ gọi 3 gương mặt mới: Được Em, Sỹ Cường, Hồng Tiến lên đội tuyển chuẩn bị cho trận giao hữu với Eintracht Frankfurt (Đức) ngày 12-5 tới là quá hạn chế cơ hội cho các cầu thủ trẻ không?
- HLV có cái khó riêng. Nhiều khi biết rõ một cầu thủ trẻ có thể tập luyện rất tốt, nhưng khi vào sân đá xong 45 phút là chân cứng đơ do bị ngợp trước các "đàn anh". Nếu không khéo giúp họ điều chỉnh, thì có thể làm "chột" những tài năng hiếm hoi đó.
Ở góc độ ấy, việc HLV Calisto liên tiếp cho xuất hiện những gương mặt mới ở mỗi lần tập trung trong suốt hơn 2 năm qua đã là nỗ lực rất lớn của ông ấy.
Có thể thấy rõ sự kế thừa từ đội U23 lên ĐTQG dưới thời HLV Calisto...
- Tôi từng làm việc với HLV Calisto năm 2002, và có thể nói ông ta có tài truyền tinh thần của mình tới các học trò. Hiếm có HLV nào khi thấy cầu thủ bị đau lại ngăn không cho bác sĩ vào sân chăm sóc như Calisto. Ông muốn họ phải thể hiện tinh thần vượt khó, tiến lên phía trước với đầy đủ niềm tin.
Có hôm, cả đội tập xong đang chuẩn bị đi tắm, ông quyết định gọi hết lại (có người quần áo còn đang ướt đẫm) để quát tháo, xong rồi thôi. Tất cả phải tuân thủ mệnh lệnh của HLV trong mọi hoàn cảnh.
Nói cách khác, HLV Calisto giáo dục cầu thủ rất tốt. Đó chính là sự kế thừa tuyệt vời nhất ở các ĐTQG mang dấu ấn Calisto. Nhiều CLB cũng đã học tinh thần ấy ở đội tuyển.
Vậy điều gì khiến ông chưa hài lòng về lực lượng được triệu tập lần này?
- Sau thế hệ những cầu thủ U23 lên tới đội tuyển hiện nay, tôi chưa thấy có gương mặt nào có tài ở lứa U19-20. Vậy thì không thể nói là hài lòng được. Nhìn lại, chỉ có Văn Quyến, Công Vinh, Thành Lương là những người có thể thi đấu chững chạc ở độ tuổi 19-20 - cái tuổi mà các cầu thủ có năng khiếu phải thể hiện được nhiều rồi, chứ không phải đợi đến 24-25 tuổi mới phát lộ.
Nói vậy có vẻ hơi khắt khe...
- Bóng đá không chấp nhận sự dễ dãi. Tôi muốn nói tới cách tuyển chọn cầu thủ trẻ. Phải có tiêu chí rõ ràng, cơ cấu hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo ra sao cho phù hợp với mô hình đội 1. Phải dự đoán được chiều cao của những cầu thủ chơi vị trí trung vệ, chí ít cũng phải tới 1m80, chứ nếu chỉ 1m75 khi trưởng thành sẽ rất thiệt thòi.
Làm bóng đá trẻ phải có cái tâm. HLV các tuyến trẻ ở Việt Nam có thể yếu chuyên môn một chút, nhưng nếu không có tâm sẽ làm hỏng hết cả một lứa cầu thủ, ngay cả khi đã được tuyển chọn tốt.
Tôi đi các nước Italy, Áo, Czech... không có chuyện họ tổ chức các giải U11, U13 toàn quốc như ở Việt Nam đâu. Thay vào đó, trẻ em cứ đá giao lưu trên các sân trường, hè phố... không phân biệt nam, nữ. Những người có chuyên môn sẽ tham gia những cuộc vui đó (họ không được trả một đồng tiền công nào), và chỉ dạy cho các em biết chơi bóng.
Rất nhiều tài năng đã được phát hiện từ hè phố khi mới 7-8 tuổi. Điều đó không chỉ có ở châu Âu, mà còn ở châu Phi, và phổ biến nhất ở Brazil, Argentina.
Việc sân chơi dành cho trẻ em ở VN đang ngày càng bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai BĐVN?
- Đương nhiên. Tôi rất lo cho BĐVN khi ngày càng ít sân chơi cho trẻ em. Bây giờ muốn đá bóng thì phải thuê sân. Có tiền chưa chắc đã thuê được sân vì các đội bóng thuộc các nhà máy, cơ quan... đã đặt sân kín hàng năm rồi. Vậy lấy đâu ra "đất" cho những "hạt ngọc thô" thể hiện?
Xin cảm ơn ông!
Lê Đức (thực hiện)