Dân Việt

Xe cấp cứu ở nông thôn: Có như không!

10/05/2010 13:37 GMT+7
(Dân Việt) - Ở các vùng nông thôn, tình trạng cấp cứu bệnh nhân bằng võng, cáng vẫn còn phổ biến, trong khi xe cấp cứu của bệnh viện huyện, tỉnh hoặc 115 thì “trùm mền”.
img
Những người may mắn gọi được xe cứu thương ở Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình.

Chị Nguyễn Thị Na (huyện Đà Bắc, Hoà Bình) từng gọi xe cấp cứu đưa người nhà bị rắn độc cắn tới BV Đa khoa Hoà Bình nhưng không được. Chị bức xúc: “Gọi cấp cứu hơn 2 tiếng đồng hồ chẳng thấy bóng dáng xe đâu. Thậm chí người bệnh đi xe ngoài đến bệnh viện rồi mà xe cứu thương vẫn chưa đến”.

Tuy nhiên, chị Na còn... may mắn vì ở gần TP. Hoà Bình nên có cơ hội gọi 115. Ở vùng sâu, xa, chính nhân viên y tế cũng không có xe chuyển tuyến cấp cứu.

Bác sĩ Bùi Thị Quyên- Trưởng trạm y tế xã Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hoà Bình) tâm sự: “Lũng Vân là một trong những xã vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Hoà Bình. Việc đưa bệnh nhân lên tuyến trên gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hôm, trời nhiều sương mù xe cứu thương không lên được, các bác sĩ ở trạm phải dùng xe máy, xe tải, thậm chí là xe bò, xe trâu... để chuyển bệnh nhân”.

Do thiếu xe cứu thương, nhiều hãng taxi đã “liên kết” với các bệnh viện hình thành hệ thống taxi 115 như ngành y tế Quảng Bình đã hợp đồng với các hãng taxi Mai Linh, Xuyên Việt để chở bệnh nhân đi cấp cứu hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk và Bệnh viện Quân Y 211 hợp đồng với hãng taxi Huy Hoàng thành lập taxi 115.

Cũng theo bác sĩ Quyên, đa phần các ca bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên người dân đều phải tự túc phương tiện. Do không được trang bị những thiết bị y tế cần thiết nên không ít bệnh nhân... không trụ được, đành quay về giữa đường.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) thừa nhận: “Tồn tại này chúng tôi phải giải quyết rất nhiều. Mới đây, chúng tôi có tiếp nhận một bệnh nhân ở huyện Mai Châu bị chấn thương lồng ngực gãy xương sườn. Thay vì để bệnh nhân nằm bất động chờ xe cứu thương, người nhà lại chở đi bằng xe máy làm xương sườn gãy chọc vào phổi gây tràn dịch, tràn khí màng phổi”.

Hiện tại, Trung tâm 115 nằm trong Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình chỉ có 2 xe cứu thương. Trong khi đó, “Một ngày Trung tâm 115 nhận được gần 100 cuộc điện thoại thông báo có tai nạn và yêu cầu xe cấp cứu đến hỗ trợ”- anh Nguyễn Văn Hạnh - nhân viên trực điện thoại 115 Hoà Bình cho biết.

Tuy nhiên, số bệnh nhân được phục vụ... có khi là con số 0. Nhiều người dân phản ánh, gọi điện thoại xin xe cấp cứu người gọi thường bị nhân viên trả lời rất vô cảm hoặc hỏi quá nhiều và không chấp nhận các cuộc gọi từ máy điện thoại di động.

Ngoài ra, chất lượng phục vụ của nhiều lái xe trong quá trình vận chuyển người đi cấp cứu chưa tốt. Anh Trần Tuấn Linh (thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc) nói: “Có hôm tôi vào phòng trực của lực lượng cấp cứu 115 Hoà Bình, điện thoại đổ chuông, người trực điện thoại báo hết xe và mong thông cảm. Tuy nhiên, tại thời điểm đó vẫn còn 1 xe cấp cứu trong sân bệnh viện. Hỏi ra mới biết lái xe đang bận... đánh bài”.

Theo bác sĩ Bùi Thị Quyên, một trong những khó khăn khiến lực lượng cấp cứu 115 chưa thể hiện được sự cơ động của mình là trình độ của các nhân viên y tế đi theo xe và phương tiện cấp cứu trên xe. Bác sĩ Quyên chia sẻ: “Xe cấp cứu mà những phương tiện cần thiết, ví dụ như máy trợ thở... không có thì không thể thực hiện được nhiệm vụ”.