Cấp cứu một nạn nhân của bom mìn. |
Phóng viên NTNN đã theo chân những người làm công tác rà phá bom mìn, để hiểu hơn về cái nghề luôn đối mặt với tử thần.
Nhìn vào bản đồ nhiễm bom mìn của cả nước thì Quảng Trị bị bao phủ bằng một màu đỏ rực, chiếm tới 83,8% tổng diện tích toàn tỉnh. Kể từ năm 1975 tới nay, không năm nào, tháng nào trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lại không xảy ra những tai nạn bom mìn thương tâm…
Mất Tết
Đã 3 tháng, nhưng ông Hồ Văn Hồi, thôn Mai Lãnh, xã Mõ Ó (huyện Đak Rông) vẫn nhớ như in cái chết thương tâm của người cháu. Ông buồn rầu kể lại: “Khi nghe tiếng nổ tôi lao đến rẫy chuối thì đã thấy cháu tôi (anh Hồ Văn Nguyên, 40 tuổi) nằm ngửa, hai cánh tay nát bét, mặt mũi cháy xém, còn người thì thủng nhiều lỗ như tổ ong. Tôi không tin vào mắt mình nữa vì vừa hồi sáng hắn đi phát cỏ chuối, còn khoẻ mạnh. Hắn bỏ lại vợ con, gia đình mà đi!”.
Anh Nguyên đột ngột ra đi vào đúng ngày 30 Tết. Với những người thân trong gia đình anh và cả thôn Mai Lãnh, đó là cái Tết đau buồn nhất. Sáu đứa con và người vợ cả Tết đó chỉ biết héo hon ngồi khóc bố, khóc chồng. Thủ phạm gây ra cái chết thương tâm đó, theo ông Hồi, là một quả bom bi.
“Người dân ở đây vẫn hay gọi là bom ổi, thứ này ở đây sẵn lắm vì trước kia khu vực này là căn cứ của lính thuỷ đánh bộ Mỹ, nên chúng vất bừa bãi khắp núi khắp rừng!” – ông Hồi nói.
Cũng bị dính bom nhưng anh Chung ở thôn Tằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hoá vẫn còn may mắn khi không bị mất mạng. Thế nhưng, vụ tai nạn kinh hoàng đó đã để lại thương tật suốt đời cho cả 4 người trong gia đình.
Anh Chung nhớ lại: “Hôm đó (ngày 7- 2- 2010), chúng em đi cuốc cỏ cà phê. Mải làm em cuốc đúng trái đạn, cũng không biết là loại đạn gì nữa, chỉ nghe nổ đánh rầm một tiếng. Ba đứa em cùng làm đang ở phía sau cũng bị dính đạn, em là người trực tiếp cuốc nên bị nặng nhất, cụt mất 2 ngón tay và một bàn chân.
Theo anh Chung, trong người anh còn hơn 20 mảnh đạn nhỏ nữa chưa lấy ra được. Bác sĩ cho biết, phải sống chung với nó suốt đời vì những mảnh này nhỏ lại găm sâu nên rất khó phẫu thuật. Cả 3 đứa em của anh Chung đều bị những mảnh đạn găm vào bụng, đùi.
Cả trường thoát nạn
Trong những vụ bom mìn phát nổ có lẽ hi hữu và may mắn nhất là vụ nổ xảy ra ở Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Đông Hà. Khi vụ nổ xảy ra có 550 học sinh đang học tại trường, khiến cho hàng nghìn người được một phen hú vía.
Nhớ lại vụ nổ đầy… may mắn đó, thầy Hiệu trưởng Hồ Đắc Di kể, trong trường có một gốc cây cổ thụ, học sinh lao động thường vun rác vào đó để đốt. Việc đốt rác diễn ra tới ngày thứ 4 thì sự cố xảy ra. Khi cả trường đang chuẩn bị hết giờ học tiết 3 bỗng một tiếng nổ nong trời nở đất vang lên.
“Tiếng nổ giống như một quả bom tấn làm tôi ù hết cả tai. Khi định thần lại đã thấy cái gốc cây đốt cả tuần cháy không hết bị bật bung lên cao rồi bay xa 20m. Sức ép của vụ nổ khiến những cánh cửa sổ bằng kính của nhà trường vỡ vụn”.
Tuy bị thiệt hại nặng nhưng thầy Di bảo, phúc phần của nhà trường vẫn còn lớn lắm. Bởi nếu vụ nổ xảy ra muộn 5 phút thôi thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Khi ấy, học sinh ra chơi, sẽ có hàng trăm em đi lại qua khu vực gốc cây đó. Ngay sau vụ nổ hàng nghìn người dân đổ về trường, để xem con em họ có gặp thương tích gì không.
Cảnh sát đã phải đến hỗ trợ giữ gìn trật tự và bắt tay vào cuộc điều tra. Thủ phạm gây nổ chính là quả đạn pháo 105mm, bị kích nổ do sức nóng của việc đốt gốc cây.
Đánh cược sinh mạng
Sau gần 2 năm kể từ khi xảy ra vụ nổ bom làm 6 người trong gia đình bị thương, ông Nguyễn Ân ở xã Cam An, huyện Cam Lộ vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhớ lại cái ngày cả nhà vào viện ông Nguyễn Ân kể, hôm đó, bọn trẻ đến gọi tôi về nhà ăn cơm khi tôi đang dở tay tháo nốt quả đạn pháo 130mm để lấy thuốc đánh cá, bất ngờ tai nạn xảy ra.
Dù đã một lần gặp đại nạn nhưng đến giờ, bởi mưu sinh, ông vẫn phải tiếp tục làm cái việc kinh hoàng đó. Ông bảo: “Mình xui thì bị thôi chứ dạng đạn pháo này tôi đã tháo cả trăm quả rồi. Biết nguy hiểm nhưng không làm thì chẳng biết mần răng để mà ăn!”.
Theo ông Ân, gia đình ông chỉ biết sống qua ngày bằng nghề chài lưới. Cá tôm ngày càng cạn kiệt, kiểu đánh bắt thủ công không đem lại hiệu quả nên đành liều đánh bắt bằng thuốc nổ. Thứ “công cụ mưu sinh” này chẳng thể mua ở đâu được, vả nếu có nơi bán thì một tiền gà ba tiền thóc.
Bởi thế, từ mấy năm nay, ông vẫn cứ mò mẫm tìm những quả bom, quả đạn còn sót lại trong rừng về và tự cưa để lấy thuốc nổ. Ông bảo, với ông, việc ấy chẳng có gì là sợ hãi, bởi thấy bom mìn là thấy được nguồn sống của cả gia đình.
Cho đến tận bây giờ việc tìm kiếm phế liệu tháo bom mìn đã thành một nghề sinh nhai của không ít gia đình ở Quảng Trị. Hàng năm vẫn có cả chục vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra, cướp đi mạng sống của rất nhiều người.
(Còn nữa)
Nguyễn Gia Tưởng