Tượng thờ đức Lý Thái Tổ tại chùa Kiến Sơ (Gia Lâm, Hà Nội). |
Các bản quy hoạch bảo tồn di sản văn hoá Hà Nội vừa được trưng bày tại Mặt trận Tổ quốc VN để các chuyên gia và báo giới tham khảo nhân cuộc tọa đàm quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa Hà Nội.
Quy hoạch đưa ra mục tiêu và biện pháp bảo tồn nhiều thành phần và cụm di tích như khu phố cổ, phố cũ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, cụm di tích ven Hồ Tây, các làng và làng nghề truyền thống cùng một số cụm di tích và di tích đơn lẻ.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các quy hoạch này bảo tồn này mới dừng lại ở dạng phác thảo với những ý tưởng còn chung chung. Nhất là các ý tưởng còn tập trung nhiều vào di tích mà chưa quan tâm nhiều đến đời sống văn hóa bao quanh di tích đó cũng như di sản phi vật thể ở các địa phương.
TS Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội nhận xét: "Chúng ta mới chỉ nhìn trên mặt chứ chưa nhìn ở dưới đất".
Theo PGS.TS Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, việc quy hoạch cần tăng thêm khảo sát thực tế bởi từ bàn giấy đến thực địa có nhiều điểm khác biệt. Cảnh báo ngay về thực trạng hiện nay, nhà văn Hoàng Quốc Hải lấy ví dụ về tình hình bảo tồn một số di sản ở Hà Nội những năm qua như Hồ Gươm, phố cổ: "Bên cạnh hồ, đã và đang mọc lên những tòa nhà cao tầng, đồ sộ, gây bức xúc, khó chịu. Còn bảo tồn phố cổ mới ở trên giấy chứ thực chất không có gì, mà còn làm cho tàn lụi đi!"
Nhiều ý kiến khác cho rằng tính thực tế, thực địa của việc xây dựng quy hoạch cho bảo tồn di sản cần nâng cao, và khi xây dựng cần tham khảo nhiều ý kiến rộng rãi của giới văn hóa, lịch sử, di sản. TS Nguyễn Doãn Tuân đề xuất: Làm quy hoạch cho Hà Nội phải ưu tiên quy hoạch chi tiết về bảo tồn trước và phải bàn kỹ, giữa Luật Xây dựng và Luật Di sản cần có sự thương thảo, cân đối và các nhà quy hoạch phải "bắt tay" với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Hoàng Thi